Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
6401

Diễn đàn hợp tác ODA: 4 vấn đề chính về người khuyết tật tại Campuchia – Lào – Việt Nam

Diễn ra trong 2 ngày 08-09/7 tại TP Đông Hà (Quảng Trị), Diễn đàn hợp tác ODA về phát triển hòa nhập cho người khuyết tật ở 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Lào và Việt Nam) mở ra những cơ hội mới không chỉ cho người khuyết tật mà còn cho toàn thể cộng đồng.Tham dự Diễn đàn hợp tác ODA có: Giám đốc KOICA tại Việt Nam Lee Byung Hwa; Tổng Giám đốc tổ chức Medipeace Shin Sang Moon; đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; các cơ quan, đơn vị đối tác từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình; các tổ chức, đối tác quốc tế của Medipeace ở Campuchia, Lào cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Trị.

Diễn đàn hợp tác ODA về phát triển hòa nhập cho người khuyết tật ở 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Lào và Việt Nam) do Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị phối hợp Tổ chức Medipeace (Hàn Quốc) tổ chức – (Ảnh: Hồng Hà/quangtri.gov.vn).

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn hợp tác ODA về phát triển hòa nhập cho người khuyết tật 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông với mục tiêu quan trọng là tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ dành cho các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, đặc biệt là những người khuyết tật.

“Đây được xác định là một trong những rào cản đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Qua sự kiện này nhằm xác định thêm những thách thức và hướng giải quyết trong việc tạo lập chiến lược hợp tác mới, vận động khả thi và triển khai các dự án ODA, từ đó mở ra những cơ hội mới không chỉ cho người khuyết tật mà còn cho toàn thể cộng đồng,” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chia sẻ thêm.

Theo Giám đốc KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa, từ năm 2002 đến nay, KOICA đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thực hiện 4 dự án với tổng kinh phí 27 triệu USD, trong đó có Dự án Trung tâm Bảo trợ Xã hội – Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị đang triển khai thực hiện với số vốn 12 triệu USD. KOICA mong muốn dành nhiều nỗ lực cho người khuyết tật, nỗ lực hết mình hỗ trợ ODA phát triển toàn diện cho người khuyết tật khu vực sông Mê Kông.

Cũng tại diễn đàn, đại diện Bộ LĐ, TB&XH, Sở LĐ, TB&XH Quảng Trị, Trung tâm Phục hồi chức năng Lào, Ủy ban hành động vì người khuyết tật Campuchia và các trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập đối tác của Medipeace đã phân tích các xu hướng thực hiện các chính sách ODA tại 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam.

Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn hợp tác ODA về phát triển hòa nhập cho người khuyết tật ở 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông

Các đơn vị tham gia cũng tìm hiểu hệ thống hỗ trợ ODA ở các quốc gia đối tác; xây dựng chiến lược để hỗ trợ quyền y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tham gia xã hội và hệ thống bảo vệ quyền cho người khuyết tật. Từ đó phát triển các chính sách cho sự phát triển toàn diện của người khuyết tật 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông và tìm cách để tăng cường năng lực thực hiện.

Diễn đàn hợp tác ODA về phát triển hòa nhập cho người khuyết tật ở 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Lào, Việt Nam) tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: phân tích khuynh hướng thực hiện chính sách phát triển hòa nhập dựa vào cộng đồng tại 3 nước tiểu vùng sông Mê Kông, tìm hiểu về hệ thống hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các quốc gia đối tác; chia sẻ các trường hợp điển hình về hỗ trợ chính thức (ODA) toàn diện cho người khuyết tật; phương án tăng cường hệ thống hỗ trợ quyền của người khuyết tật về sức khỏe, giáo dục, phục hồi nghề nghiệp, tham gia xã hội, bảo vệ ở 3 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông; xây dựng chính sách phát triển toàn diện cho người khuyết tật ở 3 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông và nghiên cứu phương pháp nâng cao năng lực thực hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *