Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
70826

Đằng sau luận điệu xuyên tạc việc xử lý MC Trác Thúy Miêu và bôi nhọ nhóm sinh viên tình nguyện Hải Dương

Lợi dụng phát ngôn thiếu tính xây dựng của MC Trác Thúy Miêu và một số thành phần KOLs trên mạng xã hội về nhóm sinh viên, tình nguyện viên của tỉnh Hải Dương vào TP. Hồ Chí Minh tham gia chống dịch Covid-19, các thành phần phản động, chống đối, bất mãn đã thổi phồng thông tin, đánh lái dư luận theo nhiều chiều hướng tiêu cực.

Sinh viên tình nguyện lên đường vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch Covid-19/Ảnh minh họa/TTXVN
Sinh viên tình nguyện lên đường vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch Covid-19/Ảnh minh họa/TTXVN

Báo Quân đội nhân dân mới đây đã có bài bình luận “Ai đang âm mưu” chỉ đích danh mục đích của thành phẩn bất mãn, chống chính quyền lợi dụng vấn đề này để kích động chia rẽ vùng miền, làm suy yếu sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và sâu xa hơn là âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Họ vẽ ra kịch bản trong tưởng tượng rằng, có một “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 với cái mà chúng gọi là “đội quân Nam tiến của miền Bắc”. Các thế lực thù địch tự khẳng định “TP. Hồ Chí Minh có thể tự phòng, chống dịch chứ không cần người miền Bắc vào giúp đỡ”. Từ đây, họ kích động người dân tại TP. Hồ Chí Minh tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ chống dịch của những tình nguyện viên từ các tỉnh. Không dừng lại ở đó, những kẻ bất mãn, thù địch còn cố ý gợi lại lịch sử đau thương của dân tộc trong thời kỳ đế quốc, thực dân chia cắt hai miền Nam-Bắc để phụ họa cho giọng điệu chống phá: “Miền Nam và miền Bắc không thể là một trong cuộc chiến chống dịch”(!).

Thế nhưng, ngay cả những cái đầu hoang tưởng đến đâu cũng chẳng hình dung nổi cái “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 là gì? Ngược lại, chỉ có sự thật hiện hữu mà mọi người dân Việt Nam đều biết, đó là, cả nước đang chung sức, đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, để không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà cả nước tiếp tục khôi phục sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Các thế lực thù địch cũng tưởng tượng rằng, gợi lại quá khứ nước ta bị chia cắt hai miền sẽ kích động được sự phân biệt, chia rẽ Bắc-Nam. Để đập tan âm mưu của đế quốc, thực dân, để non sông thống nhất một nhà, toàn dân tộc đã hy sinh biết bao máu xương và nước mắt. Không ai dại gì mong muốn chia cắt Bắc-Nam, bởi đó là điều mà không đất nước nào mong muốn.

Việc các thế lực thù địch cố tình lợi dụng chống phá khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam chính là âm mưu thâm độc, nham hiểm. Nhưng thủ đoạn nêu trên, ai cũng biết là rất thô vụng, thể hiện sự bất lực “cắn càn”!

Một ví dụ điển hình mà dân mạng đã lên tiếng mấy ngày qua là trường hợp ông luật sư Ngô Ngọc Trai gửi bài đăng BBC phê phán chính quyền Việt Nam xử phạt MC Trác Thúy Miêu là vi phạm tự do ngôn luận (“Vụ xử phạt Trác Thuý Miêu nói gì về tự do ngôn luận ở VN?”), trong đó Ngô Ngọc Trai đang cố tình nhập nhèm giữa Chia rẽ, kỳ thị vùng miền với phản biện xã hôi, nhằm đưa tới độc giả góc nhìn méo mó về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Ngô Ngọc Trai xuyên tạc việc lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nói sẽ làm việc với Trác Thúy Miêu và xử lý theo quy trình sau “bài viết gây kích động” sau khi bà này đăng trên Facebook cá nhân một bài phê phán xung quanh việc tổ chức cho các em sinh viên y tế tỉnh Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh giúp chống dịch gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng vì có lời lẽ kích động, gây mâu thuẫn, kỳ thị vùng miền, chia rẽ Nam – Bắc và đặc biệt nó cản trở việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh. Ngô Ngọc Trai cho rằng, với bài viết ấy thì “không đáng phạt” và “Vụ việc của bà Trác Thúy Miêu xem ra quyền tự do ngôn luận chưa được tôn trọng bởi phía quản lý truyền thông”.
Một số facebooker đã phân tích, vạch trần bài viết gửi BBC của ông Ngô Ngọc Trai sử dụng thủ pháp “đánh bùn sang ao”, “đánh lận con đen”  để bênh vực bà Trác Thúy Miêu khi cho rằng đó chỉ là phản biện xã hội và câu từ không có khả năng gây hại gì đến vật chất…., là thủ đoạn mập mờ, của ông Ngô Ngọc Trai,
Ai cũng biết, theo nghĩa nguyên bản, phản biện xã hội là việc phân tích, đánh giá, lập luận, tranh luận có tính chất độc lập, khoa học của các lực lượng xã hội (bao gồm cá nhân hoặc tổ chức trong xã hội) nhằm khẳng định hoặc bác bỏ, hay đề xuất sửa đổi chính sách, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với lợi ích chung của cộng đồng. Một bài phản biện phải hội đủ 4 tiêu chí: (1) mang tính khoa học, có tính xây dựng; (2) vì lợi ích của cả xã hội, của cộng đồng; (3) khách quan, trung thực; và (4) tạo ra hiệu ứng xã hội tốt, làm thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực.
Theo 4 tiêu chí trên, bài viết của bà Trác Thúy Miêu không phải là bài phản biện vì:
Thứ nhất, bài viết không hướng tới việc xem xét, lập luận, phân tích một cách khoa học để từ đó lựa chọn hoặc đề xuất phương án thay đổi hiện thực theo hướng tích cực. Nói cách khác là bài viết đó không có tinh thần xây dựng, trái lại nó là bài viết gây mâu thuẫn, chia rẽ vùng miền và kỳ thị xã hội, đồng thời làm ảnh hưởng tới nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.
Thứ hai, bài viết của Trác Thúy Miêu hoàn toàn không xuất phát từ mục tiêu cao nhất là vì lợi ích chung của cộng đồng và tạo ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang cần sự chung tay của cả nước để chống dịch. Bài viết tạo nên hiệu ứng tối màu cho xã hội. Làm giảm sự nhiệt huyết của không chỉ các sinh viên đại học kỹ thuật Y Dược Hải Dương mà tác động xấu tới toàn bộ xã hội. Bài viết mà mang lại tác động xấu với xã hội thì chắc chắn đó không phải là phản biện.
Thứ ba, một bài phản biện xã hội phải thể hiện tính độc lập, khách quan, trung thực. Với tiêu chí này, bài viết của bà Miêu đã không đạt, cho đù nó là góc nhìn độc lập, nhưng lại dựa trên những thông tin thiếu khách quan, thiếu trung thực. Nên nhớ, câu slogan “… giải phóng miền Nam” là của hãng hàng không chứ không phải của các em sinh viên và nó cũng chỉ là câu slogan có tác dụng tích cực chứ không phải tiêu cực. Còn “Chảnh chọe” thì đó là do bà Miêu tự cảm thấy, tự nghĩ ra trước phản ứng của sinh viên khi người dân đòi hỏi khám ngay. Cần nói thêm, phòng dịch khác với vui chơi giải trí, đó là công việc nghiêm túc cần đến kỷ luật cao và kiến thức chuyên ngành. Ở đây các sinh viên không thể tự làm khi mà “Chủ nhà”, tức cơ quan Y tế của TP HCM chưa cho phép.
Cuối cùng, phản biện xã hội là hoạt động có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực cho xã hội, xuất phát từ tâm huyết của người phản biện và phải được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận, được khuếch tán tự nhiên trong đời sống xã hội. Mức độ ảnh hưởng của phản biện xã hội đến đâu trong đời sống xã hội cũng chính là một trong những thước đo cho hiệu quả và chất lượng của hoạt động phản biện xã hội. Với tiêu chí này, bài viết của bà Trác Thúy Miêu không phải là phản biện như ông luật sư Ngô Ngọc Trai viết. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trác Thuy Miêu bị cộng đồng nguyền rủa và sau đó phải gỡ bài trước khi cơ quan có thẩm quyền xử lý. Phản ứng của cộng đồng và của chính bà Trác Thúy Miêu chính là tiêu chí để phân biệt một bài phản biện xã hội với bài viết chia rẽ, kích động mâu thuẫn và kỳ thị vùng miền.
Qua lập luận vạch trần luận điệu “đánh bùn sang ao” của Ngô Ngọc Trai và BBC nói trên cùng với cảnh báo từ báo QĐND cho thấy, những kẻ dã tâm, mưu toan lợi dụng khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19  của Việt Nam để chống phá chế độ là rõ ràng. Nếu người dân không tỉnh táo chắc chắn sẽ bị những luận điệu xuyên tạc, chống phá tinh vi này dẫn dắt, khiến bản thân vô tình, hoặc bị lừa phỉnh vi phạm pháp luật, phá hoại nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và nhân dân ta.
Hiếu Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *