Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23254

Dân chủ, nhân quyền không phụ thuộc vào mấy đảng

 

Càng gần đến Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất hiện một số trang, tài khoản mạng xã hội đăng tải những thông tin cho rằng, chế độ nhất nguyên chính trị, một Đảng cầm quyền ở Việt Nam là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức, để từ đó suy diễn rằng muốn đạt tới một nền dân chủ đích thực phải thi hành chế độ đa đảng!.

Lâu nay, luận điệu kiểu này không mới và vẫn được “lải nhải” đều, dù chả có gì để chứng minh nó đúng. Trong khi thực tiễn sinh động thực hành dân chủ ở Việt Nam là một rừng minh chứng cho thấy sự lạc lõng của những giọng điệu đó.

Thứ nhất, cả phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền: đảng cầm quyền đó có mang bản chất cách mạng, tiên phong hay không, có bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động hay chỉ cho một bộ phận thiểu số người trong xã hội.

Ở Việt Nam, trải qua hơn 90 năm lịch sử cách mạng, ban đầu là mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, sau đó là giành lại quyền dân chủ dân sinh, tự do, hạnh phúc cho người dân. Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò không thể thay thế đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Với mô hình một đảng lãnh đạo, Đảng đã dẫn dắt toàn dân tộc giành lại chủ quyền hoàn toàn cho một nước độc lập, sau khi hòa bình lập lại hoàn toàn, Đảng tiếp tục lãnh đạo tiến hành đổi mới xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn không thể phủ nhận: Hạ tầng kinh tế xã hội không ngừng phát triển; đời sống người dân không ngừng được nâng lên; công tác an sinh xã hội làm tốt, hầu hết người có công, người nghèo, vùng khó khăn đều được trợ cấp ổn định, kịp thời và cả những chính sách để lôi kéo các vùng khó khăn phát triển; quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân được tôn trọng và bảo vệ, nhất là bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong đợt dịch Covid -19. Đa số người dân Việt Nam là những người yêu Tổ quốc sâu đậm nhất, điều này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc kháng chiến và trong các diễn đàn thi đấu quốc tế về khoa học, thể thao, trình diễn quân sự… Với tình yêu Tổ quốc và say mê lao động, nhiều người đã thành công trên chính địa phương, đất nước quê hương mình, cùng với nhiều Việt kiều yêu nước đang chứng tỏ bản lĩnh trí tuệ, có nhiều hoạt động ý nghĩa, tình cảm hướng về Tổ quốc, đóng góp thiết thực cho đất nước.

Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, thể chế, thiết chế và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa có những bước tiến quan trọng; ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ và năng lực làm chủ của người dân từng bước được nâng lên. Trong báo cáo Chỉ số dân chủ toàn cầu của The Economist và tổ chức Intelligence Unit, chỉ số dân chủ ở Việt Nam có những chuyển biến tích cực, tăng từ 2.75 lên 3.53 trong hơn 20 năm; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 6%; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng lên tục từ mức 0.475 vào năm 1990 lên mức 0.693 vào năm 2018 (tăng 45.9%)…

Thứ hai, dân chủ, nhân quyền có phụ thuộc vào mấy đảng hay không?

Nhìn sang hệ thống chính trị đa đảng, thực chất tại một giai đoạn chính trị nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền. Ngay cả trường hợp liên minh đảng cầm quyền để thành lập chính phủ, đảng nào chiếm số ghế nhiều hơn trong nghị viện sẽ có quyền quyết định trong các chính sách phát triển (như nước Đức). Ở một số nước khác trên thế giới có nhiều đảng thì các đảng cũng vì quyền lợi của Đảng mình là chủ yếu, bầu cử Mỹ cho thấy sự cạnh tranh giữa các Đảng có lúc lựa chọn được người đưa lại phúc lợi nhiều hơn cho dân, nhưng đa số là cho tầng lớp cầm quyền và các tập đoàn lớn có liên hệ lợi ích mật thiết với giới cầm quyền. Ở một số quốc gia khác (điển hình là Mỹ), mặc dù có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người” như các nhà lý luận của họ đã và đang rêu rao. Các cuộc bầu cử và cạnh tranh để chạy đua chiếc ghế Tổng thống Mỹ sau mỗi nhiệm kỳ 4 năm thì mất ít nhất là một năm cho các ekip của các đảng tập trung chuẩn bị và tiến hành vận động tranh cử, trong quá trình đó nguồn lực tài chính và liên minh liên kết là những điều ảnh hướng lớn nhất và rõ ràng nhất trong các cuộc vận động tranh cử trong nền dân chủ Mỹ. Theo đó nhiều tờ báo đã phải đánh giá quyền dân chủ và ưu thế tập trung và thuộc về hoặc chỉ dành cho những người trả giá cao nhất!. Hay người ta cũng có thể ví von đấy là nền dân chủ đấu giá. Chưa kể cũng không hiếm sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri của họ lột trần bằng những phong trào biểu tình biểu ngữ khắp nơi và trên báo chí, truyền thông…

Cho nên, dân chủ và không dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng, đa nguyên, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền và cách tổ chức hoạt động của cả hệ thống chính trị. Rõ ràng mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội phát triển, đa số người dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước ổn định chính trị, an ninh trật tự tốt để người dân yên tâm làm ăn, phát triển…/.

Hiếu Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *