Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là về quy định ghi âm, ghi hình khi tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

2 phương án về quy định ghi âm, ghi hình tại phiên toà

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như các luật về tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc tòa án xét xử công khai.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm: quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Đa số ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa…

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Một số ý kiến khác Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, những ý kiến này đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, đó là thực hiện theo quy định của luật tố tụng và pháp luật có liên quan.

Nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình với báo chí

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, thực tế đã cho thấy rất nhiều vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, internet một cách không chính thống, cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ rất nhiều người dùng mạng xã hội đã tạo những tác động và áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng tham gia vụ án, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Bởi vậy, việc quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên toà là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu, không nên chỉ giới hạn việc ghi hình ảnh tại phiên toà, phiên họp trong thời gian khai mạc phiên toà, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định mà cần giới hạn thêm cả việc ghi âm. Tuy rằng nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên toà, không chỉ là thời gian khai mạc, tuyên án hay công bố quyết định nhưng nếu để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong cả quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì ít nhiều tạo ra sự lộn xộn. Hơn nữa, với những phiên toà xử án ly hôn, án kinh doanh, có nhiều bí mật đời tư của các cá nhân liên quan, có bí mật doanh nghiệp, bí mật kinh doanh. Nếu ghi âm, ghi hình tràn lan, rồi đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các cá nhân, tổ chức có liên quan. Nhất là hiện nay việc xử phạt những vi phạm trên môi trường không gian mạng của chúng ta đang gặp những khó khăn, vướng mắc.

Ở góc độ khác, đại biểu cho rằng cần có sự phân biệt đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại phiên toà. Nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên toà đối với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí, truyền hình. Bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin nên chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn.

“Đây cũng là ý kiến, kiến nghị của nhiều cử tri là phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, báo chí mà tôi nhận được” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thông tin.

Đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) tán thành với ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga và đề nghị chỉnh lý khoản 3, Điều 141 theo hướng: Việc ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Theo đại biểu, quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với hình ảnh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều phối tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Cũng bày tỏ đồng tình có quy định ghi âm, ghi hình như dự thảo, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị chỉnh lý theo hướng: với phóng viên thuộc các cơ quan báo chí ghi âm, ghi hình bị can, bị cáo nếu được sự đồng ý của bị can, bị cáo.

“Nhưng báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình. Tổng biên tập chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ghi âm, ghi hình. Như thế đâu ai dám tung tin bậy bạ trên mạng” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói./.