Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
33755

COVID-19 cho thấy bộ mặt nào của chủ nghĩa tư bản?

 

Mới đây, nhà chống Cộng Nguyễn Văn Đài (hiện đang tị nạn ở Đức) đã tỏ ra đắc ý khi thấy Chính phủ Việt Nam đề nghị Anh chuyển giao miễn phí công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Đài cho rằng đây là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa tư bản ưu việt hơn mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khi bình luận rằng Chính phủ Việt Nam “cái gì cũng chê tư bản, nhưng cái gì cũng ăn xin tư bản”. Mỉa mai thay, Đài đưa ra tuyên bố này khi các nước xã hội chủ nghĩa đã ít nhiều khống chế được dịch bệnh và đang dần phục hồi kinh tế, còn các nước tư bản vẫn đang khốn đốn với lượng người nhiễm và người chết đạt đến những con số khổng lồ.

Nhưng ngoài việc đó ra, phát biểu của Nguyễn Văn Đài còn cho thấy sự thiếu hiểu biết của Đài trên nhiều điểm khác.

Thứ nhất, lời đề nghị chuyển giao miễn phí công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 không phải là sáng kiến của riêng Việt Nam. Sáng kiến này được Nam Phi và Ấn Độ khởi xướng hồi tháng 10/2020, khi họ yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạm hoãn các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Covid-19. Được khoảng 100 quốc gia hậu thuẫn, động thái này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine tại các nước đang phát triển. Cả Nam Phi lẫn Ấn Độ đều áp dụng mô hình dân chủ đa đảng và chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là nước xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, vì WTO không ủng hộ giải pháp vừa nêu, các tập đoàn dược phẩm đã tiếp tục kiếm bộn tiền từ vaccine, trong khi hàng trăm nghìn người nghèo ở Ấn Độ đã và đang chết vì COVID-19.

Thứ hai, rõ ràng việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra theo một cách bất công, ngay cả khi xét trên các quy luật của kinh tế thị trường. Các nước nghèo thiếu vaccine ngay cả khi họ đủ tiền mua, vì các nước giàu đã gom hàng từ trước khi vaccine được phê chuẩn và sản xuất. Về việc này, một bài viết hồi tháng 4 trên trang tin học thuật The Conversation có đoạn:

“Tuy nhiên, việc phân phối vắc-xin diễn tiến rất phức tạp, do các thỏa thuận thương mại được ký kết từ rất sớm giữa chính phủ các nước với các công ty sản xuất vắc-xin, khi chưa có sản phẩm nào được phê chuẩn. Các đơn đặt hàng trước đôi khi còn nhắm đến những sản lượng [vắc-xin] cao hơn rất nhiều so với quy mô dân số của các quốc gia liên quan.

Ví dụ, tính đến giữa tháng 11 năm 2020, các đơn đặt hàng trước của Úc, Canada và Nhật Bản, cộng lại, đã vượt quá một tỷ liều vắc-xin. Tổng cộng, chỉ riêng những quốc gia có thu nhập cao, chiếm 16% dân số thế giới, đã dự trữ 4,2 tỷ liều vắc-xin cho năm 2021, tương đương 70% sản lượng được dự kiến của 5 loại vắc-xin chính ​​trong năm nay.”

Vào thời điểm này, các tập đoàn dược phẩm chắc chắn đã thu được một khoản lợi nhuận đáng kể từ việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Họ, cùng các định chế của chủ nghĩa tư bản, hoàn toàn có thể chuyển giao miễn phí công nghệ sản xuất vaccine cho các nước đang phát triển, để đại dịch sớm bị đẩy lùi trên phạm vi toàn thế giới. Qua việc họ từ chối sáng kiến này, có thể thấy chủ nghĩa tư bản coi trọng lợi nhuận của các tập đoàn lớn hơn tính mạng của con người, ngay trong chính thời điểm mà dịch bệnh, biến đổi khí hậu và xung đột quốc tế đang đe dọa toàn bộ các nền văn minh. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản không cung cấp giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Mỉa mai thay, thay vì tìm cách sửa đổi chủ nghĩa tư bản (như những gì giới hoạt động và giới trí thức phương Tây đang làm), các nhà chống Cộng Việt Nam đã hoàn toàn ngủ quên dưới đáy giếng.

Khánh Chi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *