Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15970

Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định”.

Ngày lễ Tự do báo chí thế giới (3/5) (World Press Freedom Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 5, nhằm cổ vũ và nâng cao nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của tự do báo chí và truyền thông. Ngày này còn nhấn mạnh vai trò của báo chí tự do trong việc duy trì nền dân chủ và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của con người.

Luật Báo chí năm 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; Nhà nước thực hiện việc bảo hộ đối với hoạt động của nhà báo trong khuôn khổ pháp luật và báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng – (Điều 13).

Thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận,đánh giá cao là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong bảo đảm quyền con người. Trong đó, quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng đã và đang đạt được những bước tiến mới. Việt Nam quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo, đầu tư tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiến tiến, bắt kịp với thời đại, nhằm giúp mọi người dễ dàng tiếp nhận các thông tin và nhà báo có đầy đủ điều kiện để tự do sáng tạo trong nghề nghiệp.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người. Số liệu này cho thấy, nền báo chí Việt Nam đang rất phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng trong tiếp nhận thông tin, tạo diễn đàn bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho mọi cá nhân trong xã hội.

Mỗi công dân Việt Nam đều được quyền nói lên tiếng nói của mình thông qua các ấn phẩm, tạp chí, website, bản tin của tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà mình tham gia. Ngoài báo phổ thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã dành chuyên kênh phát thanh, truyền hình hoặc xuất bản ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số hay xuất bản tờ báo dành riêng cho cộng đồng bà con dân tộc bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào như Mông, Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho…

Với Quyết định số 45/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước đã cấp miễn phí 19 tờ báo, tạp chí và các loại ấn phẩm chuyên đề, báo, tạp chí dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng khó khăn với tổng số lượng hằng năm hơn 34 triệu bản cung cấp cho hơn 424.529 đối tượng được thụ hưởng.

Hiện Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí ngày càng chặt chẽ, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế phát triển của thời đại, tạo cơ sở pháp lý, chỗ dựa vững chắc cho hoạt động và phát triển của báo chí. Đồng thời, không để lọt những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật để các thế lực thù địch có thể lợi dụng. Nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước trong định hướng dư luận, dẹp bỏ những thông tin sai trái, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân…

Báo chí Việt Nam đóng vai trò phản ánh đúng sự thật khách quan, bởi chỉ có sự thật mới có sức lan tỏa, tạo niềm tin trong quần chúng. Báo chí phải trở thành công cụ góp sức đưa đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

H.Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *