Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34). Hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam đang được thực hiện theo 3 nhóm chính sách, gồm: Nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, tập trung vào việc làm bền vững; Nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro, gồm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; Nhóm chính sách khắc phục rủi ro, bao gồm chính sách trợ cấp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Các chính sách, chương trình giảm nghèo đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo trên ba phương diện: tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở và nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, đất sản xuất, khuyến nông-lâm-ngư, phát triển ngành nghề, xuất khẩu lao động; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn. Các chính sách này cũng hỗ trợ cả cho các hộ cận nghèo nhằm thoát nghèo bền vững, giảm thiểu tình trạng tái nghèo.
Các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giảm nghèo hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015, bình quân giảm 2%/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30.840 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước bố trí cho các chương trình giảm nghèo là 7.020,67 tỷ đồngcụ thể là:
– Chi từ ngân sách 12.822 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên; do đó, đã có 2.6 triệu lượt người thuộc hộ cận nghèo được cấp, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; 22 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; nâng tổng số dân sử dụng bảo hiểm y tế lên 70.8% tính đến hết năm 2014.
– Nhà nước cũng hỗ trợ 10.058 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo như miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3-5 tuổi.
– Nhà nước chi 700 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng việc triển khai các chính sách an sinh xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó đối tượng thụ hưởng chính sách, mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội chưa cao, nhu cầu cơ bản của một bộ phận dân cư khó khăn chưa được bảo đảm kịp thời, mức trợ cấp xã hội còn hạn chế Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp tục là những thách thức không nhỏ cho việc bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam.