Dù thường viện dẫn các nguy cơ đe doạ nền độc lập của dân tộc để công kích chính phủ Việt Nam, các nhà chống cộng cờ vàng chưa bao giờ dám xem Việt Nam là một nước độc lập, ngang hàng với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Thay vào đó, từ thời Việt Nam Cộng hoà đến nay, họ vẫn luôn xem Việt Nam như một thuộc quốc chờ đón “đặc ân” từ Mỹ, và xem bản thân như những người đánh thuê cho Mỹ để được nhận “đặc ân” đó.
Ta có thể thấy điều này khi đọc một bài viết được đăng lên fanpage Việt Tân hôm 08/02, trong đó nói rằng Hàn Quốc “là 1 trong 41 nước” được hưởng cái “đặc ân” không cần xin visa khi đi Mỹ. Việt Tân cho biết ở Châu Á, chỉ có 6 nước được “hưởng đặc ân” này, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Bruine, và Israel. “Các nước còn lại là Úc và khối Châu Âu”. Nhìn cách dùng từ của Việt Tân, ta thấy họ xem những quốc gia vừa nêu như các nước chư hầu thân tín được nhận ơn huệ của siêu cường Mỹ, chứ không phải là các quốc gia độc lập ngang hàng. Trong mắt đảng viên Việt Tân – những người đã và đang thèm khát được sang Mỹ tập huấn, định cư – việc được miễn visa có vẻ là một ơn huệ rất lớn.
Nhưng được miễn visa thì sao nhỉ? Những dân tộc có lòng tự tôn lớn như Nhật, Đức, Pháp có thật sự tự hào vì được hưởng “đặc ân” của nước Mỹ, như Việt Tân nghĩ rằng họ phải như thế hay không? Việt Tân không cần biết, họ chỉ nghĩ rằng người dân 41 nước trên nhất định phải tự hảo vì được đi Mỹ mà không cần visa. Trong bài viết, họ giải thích:
“Trong giới hộ chiếu, nó được coi là thước đo của thịnh vượng và đẳng cấp.”
Ghê thật, có cả “giới hộ chiếu” cơ đấy! tiếp lời Việt Tân:
“Nếu nước bạn được miễn visa đến Mỹ, điều đó có nghĩa là:
– Nước bạn đã đạt đến mức độ thịnh vượng nhất định.
– Nước bạn được coi trọng.
– Nước bạn có dân trí cao.
– Nước bạn có an sinh xã hội đủ tốt.
Cho nên người dân không có nhu cầu nhập cư bất hợp pháp hay vi phạm phạm pháp luật. Bạn chỉ cần mua vé máy bay để du lịch Mỹ tối đa 90 ngày.”
“Khi so sánh sự phát triển, ngoài GDP hay lương, hạng hộ chiếu hay được dùng vì nó phản ánh sự tin tưởng giữa các nước. Trung Quốc tuy là nền kinh tế lớn thứ 2, nhưng vẫn không có đặc ân như Đài Loan.”
Khi Việt Tân viết câu trên, mà không xét đến cái thực tế rằng hai siêu cường đang cạnh tranh như Mỹ và Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ “tin tưởng” nhau, thật không biết họ ngu thật hay đang giả ngu để dẫn dụ độc giả đến những kết luận dễ dãi.
Nhưng một quốc gia được nước Mỹ “tin tưởng”, và trao “đặc ân”, có thật sự là một quốc gia tốt? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy xem xét trường hợp Brunei. Được tạp chí Forbes xếp hạng là quốc gia giàu thứ 5 thế giới vào năm 2012, và được xem là một nước phát triển, dường như Brunei đáp ứng được những yêu cầu mà Việt Tân nêu ở trên – vốn chỉ dựa trên túi tiền. Tuy nhiên, trên những phương diện khác, Brunei hoàn toàn trái ngược với hệ giá trị dân chủ mà Việt Tân tuyên bố theo đuổi, và cũng không thể xem là một quốc gia phát triển bền vững.
Trước hết, dù có GDP trên đầu người cao, thực ra 90% GDP của Brunei đến từ việc khai thác dầu mỏ. Hoàng gia Brunei độc chiếm nguồn thu này, và dùng nó để trợ cấp hầu hết chi phí sinh hoạt cho người dân. Vì người dân Brunei có thể dựa dẫm vào trợ cấp, nước này không độc lập được về mặt lương thực: 60% lương thực của họ đến từ nhập khẩu, và họ cũng phụ thuộc nặng vào việc nhập khẩu ô tô cùng đồ điện tử. Đây không thể xem là một hình thức phát triển bền vững, vì nền kinh tế Brunei sẽ sụp đổ khi dầu mỏ cạn kiệt.
Vì hoàng gia Brunei độc chiếm nguồn thu từ dầu mỏ, khoảng cách giàu nghèo ở nước này là rất lớn, và hầu hết GDP của nước này không thuộc về người dân. Thêm vào đó, sự độc quyền này cũng cho phép hoàng gia Brunei tiếp tục cầm quyền bằng chế độ quân chủ thay vì dân chủ. Cả nước Brunei chỉ có một công ty in ấn và xuất bản được phép hoạt động, vì vậy đương nhiên báo chí Brunei không phản ánh các khuyết điểm của quan chức hay hoàng gia. Tổ chức Freedom House xếp Brunei vào tình trạng “Không tự do”, tức là hoàn toàn đi ngược với những giá trị dân chủ, nhân quyền mà Việt Tân và nước Mỹ thường viện dẫn.
Dù vậy, Mỹ vẫn cho Brunei hưởng “đặc ân” miễn visa, thay vì lăng xăng đòi nhập khẩu dân chủ vào vương quốc đó thông qua các cuộc chiến tranh hoặc cách mạng đường phố. Đây là điều dễ hiểu, vì Mỹ coi Brunei như một nguồn cung dầu mỏ và một tiền đồn để can thiệp vào khu vực Đông Nam Á, như họ đã làm khi đánh Nhật trong Thế Chiến II. Như vậy, cái mà nước Mỹ muốn là tiền, là quyền lợi thực tiễn, chứ không phải là dân chủ, nhân quyền hay tự do. Còn giới chống cộng cờ vàng – những người mà từ đầu đã lệ thuộc vào Mỹ thay vì biết theo đuổi độc lập, tự do – thì sẵn sàng xem mọi đồng minh của Mỹ như bè đảng của mình, dù quốc gia đó có hay không tôn trọng hệ giá trị mà họ viện dẫn.