Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20598

Cơ chế theo công ước

“Cơ chế theo công ước” là cơ chế được hình thành theo quy định của một số công ước nhân quyền quốc tế, nhằm theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền con người theo đúng mục đích, yêu cầu của công ước.

Cơ chế giám sát công ước gồm nhiều chế độ, thủ tục giám sát khác nhau như: Giám sát qua xem xét chế độ báo cáo quốc gia về việc thực hiện điều ước; giám sát theo các thủ tục trao đổi, tiếp nhận thông tin về các vi phạm quyền con người; giám sát theo các thủ tục điều tra khi có thông tin về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng; giám sát theo thủ tục đặc biệt…Trong đó cơ chế giám sát theo chế độ báo cáo việc thực hiện công ước được áp dụng phổ biến cho nhiều công ước nhân quyền quốc tế.

Công ước CEDAW

Ủy ban công ước có quyền tiếp nhận và xem xét các báo cáo quốc gia về việc thực hiện công ước của quốc gia thành viên. Trong quá trình xem xét báo cáo, uỷ ban có thể thu thập thông tin có liên quan từ các nguồn khác nhau, như từ các cơ quan chuyên môn của LHQ, các nhóm công tác cũng như đặc phái viên của LHQ, các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông. Trên cơ sở đó, các uỷ ban đưa ra bình luận và khuyến nghị đối với các quốc gia về việc thực hiện công ước của mỗi quốc gia thành viên.

Việc xem xét báo cáo quốc gia về việc thực hiện công ước chủ yếu dựa trên cơ sở trao đổi, thảo luận hay đối thoại xây dựng giữa uỷ ban công ước và đại diện quốc gia thành viên công ước. Những khuyến nghị chung hoặc cụ thể với từng quốc gia, do các uỷ ban công ước đưa ra, không có giá trị bắt buộc về mặt pháp lý với các quốc gia, mà chỉ có ý nghĩa khuyến cáo.

Đến nay đã có 9 cơ quan được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện công ước; bao gồm: Ủy ban nhân quyền (giám sát việc thực hiện Công ước CCPR); Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (giám sát việc thực hiện Công ước CESCR); Uỷ ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc (giám sát việc thực hiện Công ước CERD); Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (giám sát việc thực hiện Công ước CEDAW); Uỷ ban chống tra tấn (giám sát việc thực hiện Công ước CAT); Uỷ ban về quyền trẻ em (giám sát việc thực hiện Công ước CRC); Ủy ban về lao động di cư (giám sát việc thực hiện Công ước CMW); Uỷ ban về quyền của người khuyết tật (giám sát việc thực hiện Công ước CRPD); Ủy ban về cưỡng bức mất tích (giám sát việc thực hiện Công ước CED).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *