Vượt qua năm 2020 đầy khó khăn, thử thách, Việt Nam bước vào năm 2021 với những niềm tin và khí thế mới sau những thành công trong khống chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, giữ vững đà tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, từ đó nhận được sự tín nhiệm, khen ngợi của bạn bè quốc tế và sự tin tưởng, tự hào của quần chúng nhân dân. Sự kiện chính trị được đánh giá là quan trọng nhất trong năm 2021 và cả những năm sắp tới của Việt Nam chắc chắn là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận trong và ngoài nước.
Tầm quan trọng của Đại hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra. Với phương châm: “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội XIII không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011),
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 – 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Vì vậy, Đại hội lần này là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, đất nước và nhân dân Việt Nam, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Công tác chuẩn bị kỹ càng
Để chuẩn bị cho Đại hội, đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra. Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội cũng được tiến hành hết sức thận trọng, bài bản, kỹ lưỡng. Từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người. Tính đến 20/8/2020, đã có 116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 Ủy viên Trung ương đương nhiệm (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Trung ương khóa mới; 107 người lần đầu tham gia Ủy viên chính thức và 44 người tham gia Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XIII. Tháng 7/2020, thay mặt Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư đến các Ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế. Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu). Tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15.
Hiện Tiểu Ban phục vụ Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị công tác bảo đảm an ninh trật tự, phương án y tế phục vụ Đại hội XIII; việc mời báo chí dự đưa tin về Đại hội và một số nội dung liên quan công tác chuẩn bị Đại hội.
Đại hội kết tinh ý chí và khát vọng Việt Nam
Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của Việt Nam; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước gồm: Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra là cơ sở quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được các yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên triển khai thực hiện; tạo sự thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI.
Với những tiền đề vững chắc đã gây dựng được cùng ý chí và khát vọng vươn tầm, chắc chắn Việt Nam sẽ có một kỳ Đại hội thành công, vạch ra hướng đi đúng đắn cho cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong chặng đường sắp tới./.