Hiển nhiên rằng, lịch sử không có chữ “nếu”, ấy thể nhưng vẫn có những kẻ mượn chữ “nếu” để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận hy sinh, cống hiến của Đảng, chế độ và bao thế hệ anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước ngày nay.
Chẳng hạn như bài viết “Nếu Việt Nam không có đảng Cộng sản” của Trần Trung Đạo đăng trên trang Tiếng Dân ngày 10/4/2023, mang giọng điệu chạy tội cho đế quốc Mỹ như không có ý định xâm lược Việt Nam, chỉ muốn cứu rỗi dân tộc VN khỏi thực dân Pháp, Anh, phủ nhận vai trò và sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh tráo, bôi lem lịch sử, thật giả lẫn lộn nhằm đạt mục tiêu đen tối của kẻ chống phá đất nước.
Thực tế, những suy luận trong bài viết này cho thấy kẻ tung ra không hiểu đúng bản chất cục diện chính trị thế giới những năm 1945-1946, không hiểu đúng chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á mà còn cho thấy sự hận thù, xuyên tạc sự thật đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì thế, từ những luận cứ khoa học, lịch sử, có thể khẳng định chắc chắn rằng:
Một là, Tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã chọn “im lặng”, đã “làm ngơ” trước đề nghị đầy thiện chí của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hồ Chí Minh trong những năm 1945-1946.
Sự thật là, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với việc củng cố, xây dựng nền dân chủ cộng hòa, tăng cường các quyết sách về nội trị để đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn bởi nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế. Cụ thể, Người đã gửi 8 bức thư, điện gửi Tổng thống Harry Truman cùng 3 bức thư, điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes. Những bức thư, điện đó chính là sự tiếp nối mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh với lực lượng Mỹ chống Nhật ở Hoa Nam trước đó mà giới nghiên cứu đều biết (Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3/1945, sau sự kiện trung úy R. Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng ngày 2/11/1944 và đưa trở lại Côn Minh. Tiếp đó, Hồ Chí Minh cũng đã gặp tướng C.Chenault tư lệnh không đoàn 14 ngày 29/3/1945 ở Côn Minh…).
Ở bức thư ngày 18/1/1946[1], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về sự xâm lược của Pháp đối với Việt Nam và nhấn mạnh đó chính là sự “bất chấp luật pháp của kẻ xâm lược”. Trong đó, Người nêu rõ, “trong khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang nỗ lực cố gắng xây dựng lại đất nước, thì nửa đêm ngày 23/9/1945 Pháp đánh chiếm Sài Gòn… Ý đồ của chúng là muốn xâm lược và đặt ách thống trị lên toàn bộ đất nước chúng tôi”. Vì thế, “từ ý thức đó, thay mặt cho nhân dân và Chính phủ Việt Nam, tôi thành tâm yêu cầu Ngài can thiệp ngay lập tức và có giải pháp để nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đó”, và “hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước chúng tôi”.
Ở bức thư ngày 16/2/1946[2], Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh việc thực dân Pháp đã từng phản bội các nước Đồng minh và nhân dân Việt Nam; đã quay lại tàn sát không thương tiếc người dân, hòng đặt lại ách thống trị lên đất nước Việt Nam… và “cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới”. Vì thế, Người nhấn mạnh rằng: “Liên hợp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiếp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến”.
Sự thật là khi thực dân Pháp ngày càng lấn tới, gây chiến tranh lan rộng ra toàn quốc bất chấp những nhân nhượng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Chính phủ Mỹ đã “không đoái hoài gì đến những lá thư của Hồ Chí Minh gởi TT Truman và Bộ Ngoại Giao Mỹ”. Sự im lặng này không chỉ “hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền Dân chủ vĩ đại”, không chỉ tạo ra một khoảng lặng nguy hiểm cho an ninh thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, mà còn buộc nhân dân Việt Nam phải thực hiện “toàn quốc kháng chiến” theo lời hịch cứu nước ngày 19/12/1946 của Người sau đó.
Hai là, việc Tổng thống Hoa Kỳ Truman không trả lời những bức thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1945-1946 không đơn giản chỉ vì “ủng hộ nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam có thể sẽ dẫn đến một nhà nước cộng sản ở Đông Dương” nên “Mỹ chọn đứng về phía Pháp”, mà là vì một chiến lược dài hơi của Mỹ đối với Đông Dương và Việt Nam trên bàn cờ chính trị thế giới.
Thực tế lịch sử thế giới hiện đại cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ II, không hẳn “cuộc chiến tranh ở Đông Dương đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ”, trong đó có việc “ủng hộ nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam có thể sẽ dẫn đến một nhà nước cộng sản ở Đông Dương” như Trần Trung Đạo đã dẫn trong bài. Đồng thời, cũng không hẳn là vì “đầu năm 1949, cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Trung Quốc sắp đến hồi chung cuộc với phần thắng đang nghiêng về đảng CSTQ… Thất bại của Tưởng Giới Thạch đã làm thay đổi toàn bộ chính sách Đông Nam Á của Hoa Kỳ… Vị trí của nước Pháp tại Việt Nam không còn là vị trí của một nước thực dân mà trở thành phòng tuyến chống CS bành trướng về hướng Nam Châu Á”, nên “Mỹ chọn đứng hẳn về phía Pháp” như Trần Trung Đạo suy diễn.
Mà sự thật là, những quyết sách của Chính phủ Mỹ trong những năm sau đó đã cho thấy Mỹ im lặng trước những đề nghị thiện chí, hợp tình, hợp lý của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh để chọn đứng về phía Pháp chính là vì một chiến lược dài hơi của Mỹ đối với Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Thực tế âm mưu, thủ đoạn, chiêu bài cũng như quyết sách của Mỹ sau khi “bỏ qua” đề nghị của Chính phủ Việt Nam đối với khu vực châu Á diễn ra đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định trong bài viết “Từ ngày nhân dân ta bắt đầu kháng chiến, đế quốc Mỹ đã nhúng tay vào chiến tranh xâm lược Đông Dương” ngày 20/12/1954[3] sau này.
Trong đó, Người chỉ rõ, “chính đế quốc Mỹ là kẻ cổ vũ thực dân Pháp phản bội Hiệp định 6-3-1946 và gây chiến tranh xâm lược trở lại; chúng đã thúc đẩy thực dân Pháp thực hiện chính sách dùng người Việt đánh người Việt”; đã “xúi giục thực dân Pháp dùng con bài “Bảo Đại” và đã tuyên bố: “Nếu Pháp không dùng thì Mỹ sẽ trực tiếp nắm lấy”; Thực tế, “từ đầu năm 1950, đế quốc Mỹ tiến mạnh thêm một bước trong kế hoạch can thiệp vào Đông Dương. Kế hoạch này nằm trong toàn bộ kế hoạch xâm lược châu Á của chúng”. Mỹ đã “viện trợ cho thực dân Pháp và can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương nhằm mục đích thay chân Pháp thống trị Đông Dương, vơ vét của cải của nước ta, biến nước ta thành thuộc địa và căn cứ quân sự của chúng” và “sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã làm cho cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương kéo dài và gặp thêm nhiều khó khăn”…
Vì thế, không thể mượn việc Đảng tuyên bố tự giải tán để rút vào hoạt động bí mật; Chính phủ tập trung mọi nguồn lực để ổn định an ninh, trật tự xã hội, chuẩn bị mọi nguồn lực để cả nước bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) là nhằm “tận diệt các đảng phái không CS như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v.” mà “vụ Ôn Như Hầu tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng vào tháng 8, 1946 là một bằng chứng”; do biết Hồ Chí Minh là “cộng sản”, mà Mỹ “bỏ qua” Việt Nam để “đứng về phía Pháp” như kẻ viết bài trên cắt cúp thông tin, suy diễn. Sự thật thì không thể bẻ cong. Lịch sử cũng không có chữ nếu, mà nó đã diễn ra như vốn có. Cho nên, việc suy diễn của Trần Trung Đạo là không khách quan, không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.
Cuối cùng thì không có chuyện “lịch sử của dân tộc Việt Nam khẳng định nếu không có đảng Cộng sản” thì “cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, 1858 với Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám, chắc chắn cuối cùng sẽ thắng thực dân Pháp”. Đồng thời, cũng không có chuyện “sau Thế Chiến Thứ Hai, với xu hướng giải thể chế độ thực dân, sự suy yếu của Pháp, quyết tâm ủng hộ của các TT Mỹ, nếu không có đảng CSVN thì ngày nay Việt Nam không phải sống dưới chế độ độc tài lạc hậu, rơi rớt từ thời Lenin, Stalin, mất đất, mất biển, lệ thuộc mọi thứ vào Trung Cộng” mà sẽ “là một cường quốc dân chủ giàu mạnh, đứng oai hùng và kiêu hãnh như bên bờ Thái Bình Dương” như Trần Trung Đạo ảo tưởng, mơ hão.
Không có Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ… thắng lợi, thì lịch sử dân tộc đã rẽ sang hướng khác, chứ không phải là một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và ngày càng phát triển như hiện nay. Vì thế, mỗi người Việt Nam càng cần phải hiểu đúng lịch sử để không mắc mưu và sa vào bẫy kích động oan nghiệt của những kẻ như Trần Trung Đạo về cái gọi là trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam ngày nay là phải “học theo “Ba Lan, Tiệp Khắc, vùng Baltic v.v.. cũng vướng vào vòng oan nghiệt như Việt Nam nhưng họ đã kiên trì tranh đấu và đầu thập niên 1990 vượt qua được quá khứ CS độc tài”./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.183-185
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.202-204
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.186-190