Bà Young Kim, dân biểu Liên bang Hoa kỳ mới đây trả lời phỏng vấn của đài RFA sau chuyến thăm Việt Nam tháng 1 năm 2024, cho rằng: “nếu Việt nam muốn Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường thì trước hết Hà Nội cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền”. Thật tiếc, cách nhìn nhận của bà này hoàn toàn trái với cách nhìn nhận của nhân dân Việt nam.
Trước hết nói về vấn đề nhân quyền. Bà Young Kim nói rằng ở Việt nam không có tự do hội họp, không có tự do ngôn luận, người dân theo công giáo bị bỏ tù… Đó là những ý kiến không đúng với thực tiễn tình hình Việt nam, có thể do những thông tin không chính xác, không khách quan và điều quan trọng là do lập trường thâm thù cộng sản của người đưa ra ý kiến đó (theo bài trả lời phỏng vấn).
Ở Việt nam, tất cả các quyền tự do cá nhân được hiến pháp quy định đều không được nhằm mục đích chống nhân dân, chống Nhà nước, chống tổ quốc. Nhân dân hoàn toàn có quyền có ý kiến nhận xét, phê phán những tiêu cực xã hội, nhằm làm trong sạch Nhà nước, hoàn toàn có thể có ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt nam. Ở Việt nam có hàng chục nghìn tổ chức quần chúng ở cơ sở, có trên 500 tổ chức quần chúng ở cấp tỉnh và cấp trung ương, thì hàng ngày, hàng tháng có biết bao nhiêu cuộc hội họp mà sao lại nói không có tự do hội họp. Chỉ không có các cuộc họp nhằm lật đổ chế độ, lật đổ chính quyền (mà chính quyền này đã do nhân dân bầu ra). Ở Việt nam nghiêm cấm kỳ thị tôn giáo, hoàn toàn không có người vì theo đạo mà lại bị bỏ tù. Ở Việt nam chỉ có những người vi phạm pháp luật hình sự mới bị bỏ tù, bất kể người đó là ai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Việt nam quan niệm trong thời đại ngày nay quyền dân tộc tự quyết là hàng đầu của quyền con người. Nhân dân Việt nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã anh dũng chiến đấu gian khổ hy sinh vô bờ bến cho chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” và ngày nay là độc lập tự chủ, thì đó phải là quyền con người quan trọng nhất đã đạt được, và nhân quyền ấy đã và đang vang động toàn thế giới.
Kinh tế thị trường và nhân quyền là quan hệ giữa yếu tố kinh tế và yếu tố phi kinh tế, chúng có quan hệ nhất quán chứ không phải vấn đề tách biệt nhau. Thị trường là biểu hiện tổng hợp của quan hệ hàng hóa – tiền tệ, là tổng số các hành vi mua bán, là nơi trao đổi mua bán ngang giá theo quy luật giá trị. Vì thế nó đảm bảo quan hệ bình đằng. So với tình trạng bóc lột nô lệ, tình trạng bóc lột địa tô phong kiến, thì quan hệ bình đẳng trong kinh tế thị trường do chủ nghĩa tư bản tạo ra là một bước ngoặt tiến bộ vượt bậc của nhân quyền. Tuy nhên chủ nghĩa tư bản lại tạo ra sự bất bình đẳng mới, đó là sự chênh lệch, thậm chí quá chênh lệch giữa người giàu và người nghèo. Đến khi chủ nghĩa tư bản độc quyền với giá cả độc quyền ra đời thì càng phá vỡ quan hệ bình đẳng của quyền con người trong kinh tế hàng hóa. Loài người đã đến lúc phải xây dựng nền kinh tế thị trường mới, khép dần khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo quyền con người một cách tốt nhất. Chính cái thị trường mà Việt nam đang xây dựng đã và đang tất yếu nâng cao dần dần quyền con người.
Nếu công nhận nền kinh tế Việt nam hiện nay là kinh tế thị trường thì tự nó đã thẩm thấu một loại nhân quyền quan trọng, chứ chúng không phải là hai thứ khác nhau, không phải nhân quyền là điều kiện lắp ráp vào để mới công nhận nó là kinh tế thị trường. Căn cứ vào lí thuyết cũng như thực tiễn thì công nhận kinh tế Việt nam hiện nay là nền kinh tế thị trường là phù hợp.