Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Trên tinh thần đó, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, con người luôn được đặt ở trung tâm của mọi chiến lược, chính sách, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển đất nước. Công cuộc Đổi mới toàn diện hiện nay ở Việt Nam dựa trên 3 trụ cột chính là: tăng trưởng bền vững; tiến bộ và công bằng xã hội; pháp quyền và quyền con người. Chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm các quyền con người nêu trên được lồng ghép vào mọi chiến lược và chương trình phát triển của đất nước nhằm đáp ứng khát vọng của nhân dân một nước đã từng là thuộc địa được hưởng đầy đủ các quyền tự do cơ bản và từng bước bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân một nước đang phát triển còn khó khăn về nhiều mặt.
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho con người và đạt nhiều thành tựu quan trọng và thực chất trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Mức sống của nhân dân ngày càng tăng và người dân Việt Nam được hưởng ngày càng nhiều quyền và tự do hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Trên thực tế, các thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân.
Tăng cường Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân là một trong những ưu tiên cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được thừa nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người và các công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người của LHQ mà Việt Nam là thành viên. Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật hiện hành về quyền con người để bảo đảm sự tương thích với Hiến pháp 2013. Việt Nam đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm bảo đảm mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.
Trên cơ sở Hiến pháp 2013, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới 90 văn bản luật liên quan đến quyền con người, trong đó đáng chú ý là: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Luật Căn cước công dân; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Trẻ em; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Đặc xá (sửa đổi)… Dự thảo các văn bản luật đều được đăng tải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức chính trị, xã hội và mọi người dân.
Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội để mọi người dân được hưởng thành quả của công cuộc phát triển. Bên cạnh đó, luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số…, thông qua các chính sách, chương trình quốc gia về bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống mua bán người, phòng chống lao động, bóc lột và bạo hành đối với trẻ em…
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15 đến 20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. 38% số người dân tộc ít người dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%). 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Về bình đẳng giới, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 27,8%, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt 26,71%. Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do internet… Ðời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Thành tựu trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua thể hiện cam kết mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước với con người là mục tiêu, động lực và trọng tâm trong mọi chính sách.