Quyền văn hóa của con người là khát vọng và thành quả của quá trình phát triển nhận thức lâu dài trong lịch sử nhân loại, là động lực phát triển của xã hội loài người, thể hiện được giá trị mà mọi dân tộc văn minh đều hướng tới. Cùng với sự phát triển và hoàn thiện pháp luật quốc tế về quyền văn hóa của con người, nhận thức về quyền văn hóa của con người trên toàn thế giới đã không ngừng được tăng lên trong nhiều thập kỷ qua. Bảo đảm quyền văn hoá của con người là việc hiện thực hoá các tiêu chuẩn và yêu cầu về quyền văn hoá trong quản lý nhà nước và chính sách phát triển văn hoá của đất nước.
Điều 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng ghi nhận: “Tại những nước có nhiều nhóm DTTS, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ”, nghĩa là, việc áp dụng và thụ hưởng các quyền con người cơ bản, trong đó có cả quyền văn hóa, không được có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, kể cả về mặt sắc tộc, dân tộc hay tôn giáo. Hiện nay, quyền của người DTTS trong đó có quyền văn hoá cũng được quy định trong hầu hết các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng như: Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ 1992, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người; Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1965;…
Tại Việt Nam, quyền của người DTTS trong lĩnh vực văn hóa được thể hiện thông qua chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Cương lĩnh năm 1991 thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta: luôn “Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”[1]. Quan điểm này, đã được cụ thể hóa tại Điều 50 Hiến pháp năm 1992: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Người DTTS được hưởng quyền bình đẳng về văn hóa như mọi công dân trước pháp luật và có những chính sách riêng để đồng bào DTTS có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các quyền về văn hóa. Việc coi trọng bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); đặc biệt, được thể hiện sâu sắc tại hai nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Một trong 10 nhiệm vụ cụ thể được nêu ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (năm 1998) là “Bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các DTTS”, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư và tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật các DTTS. Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (năm 2014) định hướng phải giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các DTTS, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống của các DTTS.
Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Để bảo đảm các quyền của các DTTS, Điều 42 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Trước đó, Điều 7, Luật Giáo dục 2005 cũng ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện để người DTTS được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người DTTS dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”.
Việt Nam đã ban hành các chính sách nhằm đảm bảo quyền văn hóa của người DTTS. Trong các Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KTXH); Chiến lược Công tác dân tộc thì nhiệm vụ phát triển văn hóa cho người DTTS cũng được đặc biệt trú trọng quan tâm thực hiện.
[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng)