Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp cao của Đảng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội, nên dễ hiểu, mỗi khi Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, những thành phần chống phá lại lợi dụng để công kích, xuyên tạc. Một số kẻ thì tỏ ra “quan tâm thái quá”, “lo lắng trên mức bình thường”; có kẻ lại “cầm đèn chạy trước ô tô” bày tỏ sự hoài nghi, đoán già đoán non rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương Đảng chỉ là hình thức, “vuốt ve” nhau (!). Trắng trợn hơn, có kẻ chống phá xuyên tạc rằng, đối với một chế độ cộng sản độc tài thì việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng chỉ là một cách “che mắt, đánh lừa dư luận” về dân chủ trong Đảng (!); thậm chí còn rêu rao, sau những cuộc đấu tranh, thanh trừng giữa các phe phái trong Đảng, những phiếu tín nhiệm cao sẽ thuộc về phe bảo thủ tạm thời thắng thế trên đấu trường chính trị (!). Một trong những kẻ đó là Bùi Thanh Hiếu – đối tượng phản động đang sống lưu vong tại Đức.
Trên trang Facebook cá nhân, Bùi Thanh Hiếu nhận xét, bình luận, xuyên tạc về việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm hạ uy tín Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiếu lấy một số ví dụ về lấy phiếu tín nhiệm rồi tạo ra kết quả theo ý chủ quan của Bùi Thanh Hiếu. Hiếu đặt ra nhiều tình huống khác nhau và xuyên tạc: “luật pháp chỉ nhằm mục đích tạo ra những khe hở để hại nhau hoặc nâng đỡ nhau chứ chẳng có tí khoa học gì”. Đúng là giọng điệu của một kẻ phản động “nghe hơi nồi chõ”, với hành động như một “thầy bói xem voi” hắn đã đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm theo cảm tính chủ quan, phiến diện, một chiều nhằm dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng có lợi cho chúng.
Cây viết Hoài Anh đã đưa ra một số ý kiến bình phẩm về luận điệu xuyên tạc việc lấy phiếu tín nhiệm này, có thể khái quát 1 số ý:
Thứ nhất, việc lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là việc làm cần thiết, được thực hiện dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác, bố trí sử dụng đúng cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.
Thứ hai, việc xác định 3 mức độ tín nhiệm này nhằm bảo đảm cho việc lấy phiếu tín nhiệm được khoa học hơn, khách quan hơn, thận trọng hơn, thấu đáo hơn, tránh hiện tượng cảm tính mà người bỏ phiếu dễ nhận định, đánh giá chưa đúng mực, chuẩn xác về cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm (nếu chỉ có 2 mức là Tín nhiệm và Không tín nhiệm).
Cũng trong Quy định 96, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm còn đòi hỏi cả xem xét trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, chứ không chỉ là bản thân người cán bộ. Đây là một điểm rất mới trong Quy định về lấy phiếu tín nhiệm của Đảng.
Thứ ba, việc lấy phiếu tín nhiệm được Đảng thực hiện nhất quán, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều lần thực hiện từ Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng khóa XI, cải tiến đảm bảo ngày càng thực chất hơn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng và khẳng định rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư lần này sẽ được BCH Trung ương khóa XIII thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng…; kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”.
Những luận điệu như trên của Bùi Thanh Hiếu hòng xuyên tạc, kích động, bôi nhọ hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam về không ngừng phát huy dân chủ trong Đảng. Thực tiễn ở Việt nam trong thời gian qua đã chứng minh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã và đang góp phần quan trọng trực tiếp thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Mỗi chúng ta cần cảnh giác trước những tin, bài viết như trên; luôn giữ vững lập trường chính trị, tin tưởng tuyệt đối và sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải tích cực nghiên cứu học tập nâng cao nhận thức, không ngộ nhận, mắc mưu các thế lực phản động, thù địch.