Dù tự xưng là những trang tin hướng đến tinh thần tự do, khách quan, trung thực, truyền thông cờ vàng chưa bao giờ tuân thủ những giá trị mà mình nhân danh. Thay vào đó, họ luôn áp dụng lối tuyên truyền một chiều, khi đưa tin một cách méo mó và phiến diện về các vấn đề của Việt Nam, đồng thời tô vẽ nước Mỹ – nhà tài trợ chính của họ – thành một thiên đường không tì vết. Trong nhiều trường hợp, vì quá đê mê trong cái bể thông tin một chiều mà mình tự viết, họ đã đăng lên những nhận định vô lý rành rành, khiến mọi độc giả tỉnh táo đều phải bụm miệng cười. Bài đăng mới xuất hiện trên FB của nhà chống cộng Võ An Đôn, trong đó ông Đôn tô hồng cho cảnh sát Mỹ, là một ví dụ rõ nét.
Cụ thể, hôm 14/02, Võ An Đôn – người mới sang Mỹ tị nạn hồi tháng 10/2023 – đã đăng lên FB cá nhân một bức ảnh chụp cùng cảnh sát Mỹ dưới lá cờ Mỹ và cờ vàng ba sọc đỏ. Để chú thích cho bức ảnh, ông Đôn viết một đoạn như sau:
“Hôm qua, tôi đến dự Hội xuân Giáp Thìn do cộng đồng người Việt tổ chức, có nói chuyện với anh cảnh sát bảo vệ Hội xuân về nghề cảnh sát như sau:
Tôi hỏi: Cảnh sát Mỹ có hay đánh dân không ? Anh cảnh sát trẻ đẹp trai trả lời: Cảnh sát Mỹ chỉ làm theo luật pháp và bảo vệ người dân, không dám đụng đến thân thể người dân.
Anh ấy hỏi tôi: Còn cảnh sát nước bạn thì sao? Tôi trả lời: Công an nước tôi đứng trên luật pháp, họ có quyền bắt bớ, đàn áp và gi.ết hại dân thường nếu họ muốn. Nghe tôi kể, anh cảnh sát Mỹ nhún vai và thể hiện sự ngao ngán.
Nhìn mấy anh cảnh sát Mỹ rất đẹp trai, hiền hoà và dễ mến; không giống mấy anh công an Việt Nam mặt mày dữ dằn, cộng với bộ quân phục màu xanh giống con Rắn Lục, nhìn thấy dân là muốn cắn mổ ngay.”
Trong khi Võ An Đôn nhanh chóng tin rằng “cảnh sát Mỹ tốt, cảnh sát Việt xấu” vì một cảnh sát Mỹ “đẹp trai” đã nói với ông ta như vậy, dường như các số liệu thống kê đang đưa đến một kết luận trái ngược. Dữ liệu thống kê trên trang Statista cho thấy trong giai đoạn 2013-2023, cảnh sát Mỹ giết chết từ 1000 đến 1300 người mỗi năm, và con số này đang có xu hướng tăng lên chứ không giảm, bất chấp các cuộc biểu tình của người dân để phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát. Tỷ lệ các vụ nổ súng gây tử vong của cảnh sát Mỹ cao gấp 18 lần so với cảnh sát Đan Mạch và 100 lần so với cảnh sát Phần Lan. Con số cao đến mức kinh ngạc này xuất phát từ nhiều vấn đề của nước Mỹ, bao gồm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khi người da màu thường xuyên trở thành nạn nhân oan khuất của hành vi bạo lực đến từ phía cảnh sát. Ngoài ra, việc nước Mỹ tiếp tục hợp pháp hoá việc mua bán súng đạn, nhằm phục vụ cho túi tiền của các tập đoàn sản xuất vũ khí, cũng góp phần đẩy cảnh sát nước này vào trạng thái lo sợ thường trực, từ đó có khuynh hướng lạm dụng bạo lực. Vì những thực tế này thường xuyên được đề cập trên báo chí của cả Mỹ lẫn Việt Nam, người ta không khỏi có cảm tưởng rằng Võ An Đôn không bao giờ đọc báo.
Thêm nữa, cũng cần nhớ rằng Võ An Đôn hành nghề luật sư, và thường được giới chống cộng gọi là “luật sư nhân quyền” từ khi còn ở trong nước. Nếu đã quan tâm đến vấn đề nhân quyền, chẳng nhẽ ông ta chưa từng nghe đến phong trào Black Lives Matter, nhằm bày tỏ sự tức giận trước các vụ việc trong đó cảnh sát Mỹ lạm dụng bạo lực và giết oan người da đen? Được xem là một trong những diễn biến quan trọng nhất của trào lưu đòi nhân quyền trên thế giới trong một thập kỷ, phong trào này đã làm chấn động các nước phương Tây bằng vô số cuộc biểu tình trong năm 2020. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính đã có từ 15 đến 26 triệu người tham gia các cuộc biểu tình Black Lives Matter riêng trong năm 2020, và con số này tương ứng với dân số của một quốc gia nhỏ. Như vậy, cuộc đối thoại giữa anh cảnh sát Mỹ và Võ An Đôn chỉ cho thấy sự giả tạo của cả hai người này, khi cố tình quên lãng một trong những diễn biến quan trọng nhất xảy ra với nước Mỹ những năm gần đây. Nó cũng cho thấy cả hai không hề quan tâm đến người dân hay nhân quyền, khi gạt tiếng nói của người dân Mỹ ra khỏi tầm mắt của họ.