Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18513

Cần xây dựng quyền con người thành những giá trị mang tính đạo đức và pháp lý trong các hoạt động của Nhà nước

Để thúc đẩy HRBA trong hoạch định và thực thi chính sách, cần tiếp tục nghiên cứu và phổ biến rộng rãi về phương pháp này cũng như các kiến thức về quyền con người cho người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Mục tiêu hướng tới là để các tiêu chuẩn về quyền con người không những là nền tảng cho việc xây thực và thực thi các chính sách, mà còn trở thành những giá trị mang tính đạo đức và pháp lý trong các hoạt động của Nhà nước cũng như của xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Thứ nhất, hệ thống lý luận và pháp lý làm cơ sở cho việc vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách vẫn còn chưa hoàn thiện. HRBA chưa được ghi nhận một cách chính thức và rõ ràng trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có nhiều đổi mới, nhất là bổ sung những quy định liên quan đến quy trình xây dựng chính sách, tạo cơ sở cho việc vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách.

Thúc đẩy tiếp cận dựa trên quyền con người

Tuy vậy, văn bản luật này chưa mở ra cơ hội để đưa HRBA trở thành một nguyên tắc pháp lý có tính bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách. Do đó, việc vận dụng phương pháp tiếp cận này còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các nhà hoạch định chính sách và mức độ áp dụng trên thực tế là rất khác biệt ở các bộ, ngành, lĩnh vực khác nhau, chưa tạo nên sự liên kết và thống nhất trong việc bảo đảm quyền con người.

Thứ hai, một số chính sách xã hội chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền. Trong nhiều trường hợp, chủ thể quyền không bảo vệ được quyền trong khi chủ thể có nghĩa vụ lại không thực hiện quyền, thậm chí lại ở vị thế thuận lợi hơn, ưu thế hơn so với chủ thể quyền, từ đó dẫn tới việc lạm quyền, vi phạm quyền con người. Chính sách tái định cư là một ví dụ điển hình cho thấy rõ bất cập này. Những sai sót trong quản lý hồ sơ nhà đất cùng với những hạn chế trong năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như nhận thức về quyền con người của một số cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng đã làm giảm phần nào hiệu quả thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Việc hoạch định và thực thi chính sách tái định cư ở một số địa phương không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và lao động, sản xuất của người dân, chưa phù hợp với tập quán và tâm tư, nguyện vọng của người dân. Do không được đảm bảo quyền có nhà ở thỏa đáng nên trong nhiều trường hợp, người dân không tự nguyện di dời, thậm chí còn khiếu kiện kéo dài để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ ba, trong quá trình hoạch định chính sách, yêu cầu về việc bảo đảm quyền con người chưa được chú trọng đúng mức và ít được quan tâm hơn so với các yếu tố khác như hiệu quả kinh tế hay an ninh quốc phòng, thậm chí trong nhiều trường hợp phải chịu sức ép của “lợi ích nhóm”. Thực tế cho thấy, các nhóm lợi ích có thể chi phối quá trình hoạch định chính sách, tạo thuận lợi và kẽ hở để một số công chức trục lợi, tham nhũng khi thực thi công vụ, trong khi đó lại gây bất lợi, khó khăn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Ví dụ như khi hoạch định chính sách về đất đai, chính sách tái định cư, chính sách ưu đãi về vốn, chính sách sử dụng các nguồn lực công…

Thứ tư, chưa thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân vào quy trình hoạch định chính sách. Mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bổ sung những quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước (như tham gia góp ý kiến, buộc các cơ quan ban hành chính sách phải giải trình tiếp thu ý kiến, đăng tải công khai chính sách, minh bạch thông tin chính sách,…), nhưng trên thực tế, tiếng nói của người dân trong quá trình hoạch định chính sách vẫn chưa thực sự được lắng nghe. Hoạch định chính sách dường như vẫn được xem là đặc quyền của các cơ quan nhà nước. Một mặt, điều này cản trở việc huy động trí tuệ cá nhân và tập thể của người dân, của chuyên gia và nhà khoa học. Mặt khác, nó tạo kẽ hở cho sự thiếu minh bạch thông tin để một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng, trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ năm, chưa hình thành cơ quan quốc gia về quyền con người để vận động, thúc đẩy việc vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người một cách hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thúc đẩy tiếp cận dựa trên quyền con người

Một là, cần quán triệt các quan điểm của Đảng về quyền con người và bảo vệ, thúc đẩy quyền con người; coi đó là nền tảng lý luận để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách, trên cơ sở phù hợp với những điều kiện đặc thù của nước ta.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quyền con người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách. Trong đó, chú trọng việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm quyền con người; lồng ghép nội dung quyền con người vào tất cả các bước của quy trình hoạch định chính sách; ghi nhận HRBA trong hoạch định chính sách là một nguyên tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân vào các bước của quy trình hoạch định chính sách thông qua việc tham vấn ý kiến của người dân về các văn bản chính sách có liên quan mật thiết đến họ ở cả giai đoạn trước, trong và sau khi được ban hành. Đây cũng là một cách thức quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giúp người dân thể hiện tiếng nói đối với những chính sách có ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người của họ, cũng như tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc sống hàng ngày của họ.

Bốn là, xây dựng bộ chỉ số quyền con người rõ ràng, thống nhất và hợp lý để làm thước đo đánh giá tác động hiệu quả của việc vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách. Hiện nay, trên thế giới đang áp dụng phổ biến hệ thống các chỉ số định lượng và định tính trong đánh giá tác động của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội mà trong đó có vận dụng phương pháp HRBA. Trong số này, các chỉ số cơ bản thường được sử dụng bao gồm chỉ số đầu ra (output indicators), chỉ số kết quả (outcome indicators), chỉ số tác động (impact indicators) và chỉ số quá trình (process indicators). Các chỉ số này, nếu được áp dụng tại Việt Nam, cần được thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đặc thù của nước ta để có thể đánh giá tác động của chính sách một cách chính xác nhất.

Năm là, nâng cao nhận thức của xã hội về phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về vấn đề tương đối mới mẻ này. Đặc biệt, cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách.■

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *