Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16382

Cách tiếp cận mới về bảo đảm bình đẳng giới

Đây là tinh thần của Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới đang dự thảo bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Để thực thi các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, đặc biệt là những quy định về bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới và nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới là hết sức cần thiết.

Bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới

Ngày 20 tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này tập trung tại chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (từ Điều 135 đến Điều 142); đồng thời tại một số chương khác cũng có những điểm sửa đổi mới liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới như: quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 3), quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35), quy định về tuổi nghỉ hưu (Điều 169)…

Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01 tháng10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 về chính sách đối với lao động nữ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 85/2015/NĐ-CP) qua 4 năm triển khai thực hiện cho thấy đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lao động nữ, bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế. Tuy nhiên, thực tế thực hiện đã phát sinh một số vấn đề bất cập, gồm: (1) Chủ yếu quy định về bảo vệ lao động nữ mà chưa chú trọng các quy định nhằm thể chế hóa chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; (2) Một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đặc biệt là các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (như chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ,…).

Thể chế hóa chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới

Để thực thi các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, đặc biệt là những quy định về bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới và nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới là hết sức cần thiết.

Ngày 18 tháng 6 năm 2020, dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và toàn thể nhân dân.

Dự thảo Nghị định (bản đăng website) bao gồm 3 chương với 17 điều, cụ thể:

Chương I – Quy định chung: gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định, giải thích từ ngữ được sử dụng trong Nghị định, tham khảo ý kiến của lao động nữ và quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ, lao động nam.

Chương II – Quy định cụ thể: gồm 2 mục. Mục 1 – Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, gồm 6 điều (từ Điều 6 đến Điều 11) và Mục 2- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, gồm 3 điều (từ Điều 12 đến Điều 14).

Mục 1- Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới: quy định cụ thể về quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; tham khảo ý kiến của đại diện của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và công việc có ảnh hưởng đến chức năng sinh đẻ và nuôi con của người lao động.

Mục 2- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, gồm 3 điều: quy định cụ thể khái niệm về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; ban hành quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và xây dựng môi trường làm việc không quấy rối tình dục.

Chương III – Tổ chức thực hiện: gồm 3 điều (từ Điều 15 đến Điều 17). Chương này quy định về tổ chức thực hiện; hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Nghị định.

Cách tiếp cận mới về bảo đảm bình đẳng giới

Để các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 đi vào cuộc sống, đặc biệt là những quy định về bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới và khắc phục những vướng mắc của các quy định hiện hành, việc đề xuất ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới là hết sức cần thiết. Dự thảo Nghị định bao gồm 3 chương, 17 điều với những điểm mới trong bảo đảm quyền lợi của lao động nữ.

Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định: quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới (Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP chỉ bao gồm những chính sách đối với lao động nữ).

Hai là, mở rộng đối tượng áp dụng của Nghị định là người lao động, người sử dụng lao động (thay vì lao động nữ và người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ theo quy định của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP).

Ba là, bổ sung giải thích thuật ngữ “Nơi có nhiều lao động” (thay vì giải thích thuật ngữ về “Nơi có nhiều lao động nữ” theo quy định của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP).

Bốn là, quy định quyền làm việc bình đẳng của người lao động, quy định về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới (thay vì quy định quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ tại Nghị định số 85/2015/NĐ-CP), bao gồm trách nhiệm của người sử dụng lao động, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam và thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Năm là, quy định việc tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ phù hợp với quy định về đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (thay vì quy định đại diện lao động nữ được xác định như thế nào theo quy định của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP).

Sáu là, sửa đổi, bổ sung các quy định về chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, bao gồm:

(1) Bổ sung quy định khuyến khích tăng thêm thời gian đi khám thai: “Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội”.

(2) Mở rộng phương án lựa chọn trong việc thực hiện quy định về nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh: Dự thảo Nghị định quy định 3 cách cho người lao động và người sử dụng lao động lựa chọn:

Cách thứ nhất, tương tự như Nghị định số 85/2015/NĐ-CP: “Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; số ngày nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động”.

Cách thứ hai: Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ”.

Cách thứ ba: “Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dung lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng với tiền lương đã được hưởng đối với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của người lao động”

 (3) Mở rộng phương án lựa chọn trong việc thực hiện quy định về nghỉ 60 phút trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi: Dự thảo Nghị định quy định 3 cách cho người lao động và người sử dụng lao động lựa chọn:

Cách thứ nhất, tương tự như Nghị định số 85/2015/NĐ-CP và có sửa đổi, bổ sung: “Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.

Cách thứ hai: “Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ”.

Cách thứ ba: “Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dung lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng với tiền lương đã được hưởng đối với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của người lao động”.

(4) Quy định về Phòng vắt trữ sữa

Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 giữ quy định mang tính khuyến khích như Nghị định số 85/2015/NĐ-CP. Phương án 2: sửa đổi quy định về tổ chức phòng vắt, trữ sữa theo hướng vừa khuyến khích vừa bắt buộc: khuyến khích chung với tất cả người sử dụng lao động, nhưng bắt buộc đối với người sử dụng lao động sử dụng từ 1000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Bảy là, quy định cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, lớp mẫu giáo cho con của người lao động (thay vì chỉ cho con của lao động nữ theo quy định của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP) bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; bổ sung quy định để tăng tính khả thi trong việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động.

Tám là, quy định các biện pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Nghị định số 85/2015/NĐ-CP không có quy định này), bao gồm:

(1) Quy định cụ thể hơn hai khái niệm trong Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 là: (i) Quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (ii) Nơi làm việc

(2) Quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; các nội dung cơ bản của quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

(3) Quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động (có thể được quy định thành một văn bản riêng và là phụ lục đính kèm của nội quy lao động).

(4) Quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức đại diện người lao động trong xây dựng môi trường làm việc không quấy rối tình dục.

Bùi Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *