Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15037

Các quyền bị ảnh hưởng trong tâm bão “COVID-19” 

Đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức to lớn tới sự phát triển kinh tế toàn cầu, được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và là thảm hoạ kinh tế lớn nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái năm 1930. Dưới góc độ thụ hưởng quyền con người, dịch COVID-19 có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thụ hưởng 04 nhóm quyền chính gồm:

 Quyền sống, quyền được chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời của người dân. Trong bối cảnh chưa có thuốc hay pháp đồ điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dịch COVID-19 tiếp tục là một thảm họa y tế cho các quốc gia. Chỉ trong thời gian ngắn, COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mệnh và ảnh hưởng tới sức khoẻ của hàng chục triệu người mà còn có tác động tiêu cực đến đời sống và quyền cơ bản của mọi cá nhân, cộng đồng trên toàn thế giới, đặc biệt nhóm quyền bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là quyền về sức khỏe. Chính vì vậy, các nỗ lực nhằm phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay của các quốc gia chính là để bảo đảm quyền sống và quyền chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. 

Quyền được tiếp cận thông tin, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh. Việc cung cấp thông tin chậm hay thông tin chính thống không kịp thời đều mang lại những tác động tiêu cực trong đấu tranh phòng, chống đại dịch và trên hết, là khiến người dân hoang mang, lo sợ, thiếu tin tưởng vào chính quyền sở tại. Cùng với đó, các cấp chính quyền cũng phải nỗ lực hạn chế các thông tin sai lệch, vừa gây hoang mang dư luận vừa ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng chống dịch. 

Quyền tự do cá nhân, quyền tự do di chuyển, quyền tự do hội họp. Những biện pháp được hầu hết các nước áp dụng là hạn chế di chuyển, tụ họp đông người và áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội”. Bên cạnh đó, nhiều nước thực hiện việc cách ly tập trung đối với những người nhiễm bệnh và người có nguy cơ nhiễm bệnh trong khoảng thời gian cần thiết, theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và cách ly y tế là nhằm bảo vệ sức khỏe của chính người nhiễm, gia đình và cộng đồng xung quanh, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người nhưng cũng khiến nhiều người bị hạn chế một số quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền tự do đi lại, tự do hội họp. 

Các nhóm dễ bị tổn thương nhất: Một số nhóm có thể phải chịu nhiều rủi ro nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn như người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, trẻ em…. Do vậy, nhóm đối tượng này cần được bảo vệ và hỗ trợ để phòng ngừa y tế tốt hơn thông qua việc giảm thiểu tối đa tiếp xúc, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp như: trẻ em không được đến trường; người lao động bị cắt giảm hoặc mất việc làm; phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong một số các ngành nghề đặc thù, phi chính thức hoặc y tế (70% đội y tá, hộ lý trên toàn thế giới là phụ nữ) có thể ảnh hưởng tới sinh kế và chất lượng cuộc sống; những nhóm người khuyết tật khó tiếp cận các nhu yếu phẩm thiết yếu do không đủ nguồn nhân lực và dịch vụ; các nhóm vùng sâu, vùng xa khó có thể tiếp cận thông tin và nhiều vấn đề khác làm hạn chế chất lượng cuộc sống và mức độ thụ hưởng các quyền cơ bản của nhóm dễ bị tổn thương. 

Tại Việt Nam,  dù đã thành công trong việc kiểm soát dịch, việc thụ hưởng các quyền con người và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn bởi COVID-19. Tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực gồm người bị mất việc, phải nghỉ, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Ước tính quý III năm 2020 có 1,2 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lực lượng lao động bị tác động nhiều nhất là thanh niên và phụ nữ. Bên cạnh đó, nhóm lao động nữ cũng gặp nhiều khó khăn do các ngành lao động chính họ tham gia như may mặc, dịch vụ… đều gặp phải trở ngại khi các đường bay đóng cửa, trao đổi hàng hóa giữa các nước bị hạn chế tối đa.  

Việc giãn cách, hạn chế tụ tập đông người kéo theo những hệ lụy liên quan tới những quyền quan trọng khác của nhóm dễ bị tổn thương như: quyền giáo dục, quyền được tận hưởng các hình thức vui chơi, giải trí của trẻ em; đối với phụ nữ, nguy cơ mất việc làm cao hơn, trở thành nạn nhân của thất nghiệp, bất bình đẳng giới và thậm chí là nạn nhân của bạo hành gia đình, hay gặp khó khăn hơn trong tiếp cận giúp đỡ, hỗ trợ. 

Sự phát triển của những nền tảng mạng xã hội khiến việc bảo đảm cho  người dân tiếp cận thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, bên cạnh đó kiểm soát việc phát tán những thông tin sai lệch trở nên khó khăn hơn khi có nhiều đối tượng lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý mạng xã hội để phát tán thông tin sai lệch. Đồng thời, sự gia tăng trong tần suất, mức độ nghiêm trọng về thông tin sai sự thật đã khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; nguy hiểm hơn là gây mất niềm tin của người dân vào các nỗ lực chống dịch của Chính phủ.

Kim Long

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *