Theo Bộ Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành có bất cập trong tạm hoãn nhập ngũ, tiêu chuẩn sức khỏe… dẫn đến khó khăn khi gọi công dân nhập ngũ.
Bộ Quốc phòng mới đây tổ chức rà soát Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, xác định quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ là nội dung có nhiều khó khăn khi triển khai. Cụ thể, Điều 41 nêu lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì được xem xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, “người không còn khả năng lao động” có thể hiểu là người suy giảm phần trăm khả năng lao động hoặc người hết tuổi lao động có lương hưu, không có lương hưu… Bộ Quốc phòng cho rằng quy định như vậy là thiếu chi tiết, không thống nhất khi xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, ảnh hưởng công bằng xã hội.
Điều 41 cũng quy định công dân đang được đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Song, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng lợi dụng để trốn tránh gọi nhập ngũ…
Theo quy định, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27.
Về đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập, Luật quy định, công dân nam đủ 17 tuổi trong năm phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự. Người trúng tuyển trình độ cao đẳng, đại học khi nhập học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; công dân khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc trong thời hạn 10 ngày phải làm thủ tục di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Theo Bộ Quốc phòng, thực tế công dân không đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự đến nơi làm việc mới. Cơ sở giáo dục chưa đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự nền nếp, tạo kẽ hở để một số công dân trong độ tuổi nhập ngũ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Về số lần gọi nhập ngũ trong năm, Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định hàng năm tổ chức tuyển quân một đợt trong năm (trước đây hai lần trong năm). Điều này tạo thuận lợi cho địa phương giao quân, hạn chế đơn thư liên quan về tạm hoãn nghĩa vụ tại ngũ dịp công dân trúng tuyển đại học, cao đẳng nhập học (tháng 9 hàng năm). Tuy nhiên, tuyển quân một đợt dẫn đến một số đơn vị quân, binh chủng kỹ thuật thiếu hạ sĩ quan, binh sĩ là nhân viên chuyên môn kỹ thuật.
Thẩm quyền gọi khám và tiêu chuẩn sức khỏe đối với nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an nhân dân còn vướng mắc khi một hội đồng nghĩa vụ quân sự đang có hai thẩm quyền gọi khám sức khỏe, gồm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và Trưởng công an cấp huyện.
Trong khi đó, tiêu chuẩn sức khỏe tham gia Công an nhân dân chỉ lấy loại 1, loại 2; tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự lấy đến loại 3. Việc này ảnh hưởng chất lượng giao, nhận quân và tạo kẽ hở để lọt nguồn công dân gọi nhập ngũ, khó khăn trong quá trình giao chỉ tiêu.
Từ bốn bất cập nêu trên, Bộ Quốc phòng kiến nghị Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, năm 2025.
Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội thông qua tháng 6/2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Bộ Quốc phòng đánh giá, sau hơn 7 năm thực hiện, Luật đảm bảo tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, bổ sung cho đơn vị thường trực và thay quân. Luật đã tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.