Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Pavel Durov, tỷ phú đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram đã bị bắt tại sân bay Le Bourget, ngoại ô Paris sau khi bước xuống từ chuyên cơ cá nhân, tối hôm 24/8. Ông Durov là tỷ phú người Pháp gốc Nga, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram. Trang mạng này được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat.
Phía Telegram cho hay Bộ Nội vụ và cảnh sát Pháp chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc. Trong khi đó, hãng tin TASS dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết Đại sứ quán nước này tại Pháp đã thực hiện các bước cần thiết để làm rõ tình hình xung quanh vụ bắt giữ Pavel Durov. Người đàn ông 39 tuổi được cho là cất cánh từ Azerbaijan và sẽ hầu toà trong ngày 25/8.
Nguyên nhân Durov bị bắt không thật sự rõ ràng. Các kênh TF1 TV và BFM TV (Pháp) dẫn các nguồn giấu tên cho biết ông Pavel Durov bị bắt tối 24/8 để phục vụ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát tập trung vào việc trang mạng Telegram thiếu các biện pháp kiểm duyệt.
Thế nhưng, Telegram nổi tiếng trên thế giới là một ứng dụng được mã hóa cực kỳ bảo mật, với gần một tỷ người dùng, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Mức độ mã hóa của Telegram được cho là cao nhất trong các ứng dụng nhắn tin OTT ngày nay, do đó ngày càng nhiều người, nhất là những người coi trọng quyền riêng tư đã chọn sử dụng ứng dụng này.
Vậy nên, việc bắt ông Durov vì lý do Telegram thiếu các biện pháp kiểm duyệt có vẻ không thuyết phục cho lắm, mà nguyên nhân còn ở sâu xa sau đó mà nhiều người cho rằng có động cơ chính trị đằng sau. Ai cũng biết, Pháp vừa tổ chức xong Olympic Paris 2024, một kỳ Thế vận hội nhiều tai tiếng hơn sự nổi tiếng. Từ lễ khai mạc bị coi là xúc phạm Thiên chúa giáo, đến điều kiện sống và cơ sở vật chất yếu kém, tới chất lượng môi trường các môn thi đấu tồi tệ đều bị phản ánh trên các phương tiện truyền thông, và Telegram, với sự bảo mật vốn có, lan truyền các thông tin đó một cách nhanh chóng và rộng rãi mà chính quyền Pháp không thể ngăn chặn nổi. Kết quả là, nước Pháp đã phải gánh chịu nhiều tai tiếng, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một Paris “hoa lệ” trong mắt người dân trên thế giới.
Mặt khác, trước và trong khi diễn ra Thế vận hội, nước Pháp chìm đắm trong bất ổn, biểu tình và bạo loạn. Sau quyết định giải tán Quốc hội vào ngày 9/6 của tổng thống Emmanuel Macron dẫn tới một cuộc bầu cử lập pháp sớm; hai vòng bầu cử (kết thúc vào ngày 7/7) đã diễn ra mà không một phe nào trong số ba lực lượng chính trị chủ chốt của Pháp có đủ phiếu bầu để trở thành đảng đa số trong Quốc hội. Kết quả bất ngờ này, kết hợp với đơn từ chúc của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã đẩy quốc gia vào một tình thế được gọi là “Quốc hội treo”. Nước Pháp hiện đại chưa từng phải đối diện với tình huống này, dẫn tới sự lo ngại về một chính phủ bị tê liệt, bất ổn chính trị, bất đồng giữa người ủng hộ các đảng khác nhau và các cuộc biểu tình quyết liệt.
Thêm nữa, người nông dân Pháp vì bất mãn với hàng loạt chính sách bất công dành cho họ đã diễu hành máy kéo, máy cày và các dụng cụ nông nghiệp quanh thủ đô, thậm chí họ còn trữ sẵn phân gia súc, gia cầm để rải trên các con đường, vòng quanh nơi họ tổ chức biểu tình. Trước thông tin rằng tổng thống Macron và thị trưởng Paris Anne Hidalgo sẽ bơi tại sông Seine vào ngày 23/6 để chứng minh kết quả của hệ thống lọc nước mới; hàng loạt các đoạn tweet và dòng hashtag về việc biểu tình bằng cách… đi đại tiện xuống sông Seine xuất hiện trên các trang mạng xã hội, nhất là Telegram với nhiều người thậm chí còn tính toán tỉ mỉ địa điểm, thời gian và tốc độ chảy của dòng nước để “hành động biểu tình” có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Xa hơn nữa, Telegram đã từng làm xấu hình ảnh một quốc gia đồng minh của Pháp, đó là Anh. Chính phủ Anh hồi tháng 7 cáo buộc Telegram đóng vai trò thúc đẩy các cuộc biểu tình bạo loạn tại Anh sau khi một số nhóm cực hữu đã sử dụng ứng dụng này để trao đổi thông tin nhằm tổ chức và kích động biểu tình. Cụ thể thì số người sử dụng Telegram “trực tuyến” đã tăng vọt lên con số 3,7 triệu người vào ngày 30/7, ngày nổ ra cuộc biểu tình bạo loạn đầu tiên tại Anh khiến ít nhất 50 cảnh sát bị thương. Trước đó, cũng theo Similarweb, vào ngày 29/7, thời điểm xảy ra vụ đâm dao khiến 3 trẻ em thiệt mạng và 10 người khác bị thương ở thị trấn Southport, số người dùng Telegram cũng đã tăng từ mức trung bình 2,7 triệu người mỗi ngày kể từ đầu năm 2024 lên tới 3,1 triệu người. Các nhà chức trách, cảnh sát cũng như các nhà phân tích tại Anh cho rằng cuộc bạo loạn bắt đầu từ thị trấn ven biển ở phía Tây Bắc vùng England sau đó châm ngòi cho một làn sóng bạo lực trên khắp nước Anh được thúc đẩy và tổ chức thông qua các nền tảng trực tuyến gồm Telegram, TikTok và X.
Dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa thì với động thái “cứng rắn” này, Pháp hiện đang phải đối mặt với phản ứng tiêu cực từ cộng đồng công nghệ toàn cầu. Tỉ phú Elon Musk đã phải mỉa mai “chắc là đến năm 2030 thì tất cả người dân châu Âu đều phải vào tù vì phát ngôn trên không gian mạng”. Hastag “FreeDurov” đang được phát động trên tất cả các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi trả tự do cho cha đẻ Telegram.
Và nước Pháp, trong khi chỉ trích các quốc gia khác về dân chủ, nhân quyền, không coi trọng quyền riêng tư thì nay lại bất chấp dư luận, bắt luôn ông trùm của quyền riêng tư. Đúng là đang mắc kẹt!