Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18413

Bảo vệ giá trị nhân đạo cốt lõi

Bảy thập kỷ đã qua, cbốn Công ước Geneva vẫn là các văn bản pháp luật nền tảng của Luật Nhân đạo quốc tế (NĐQT), được phê chuẩn toàn cầu, được nội luật hóa rộng rãi và được đưa vào các học thuyết quân sự. Hiện nay, trước sự biến đổi của các chiến lược tác chiến trong xung đột vũ trang và sự hiện đại hóa của công nghệ vũ khí, các Công ước Geneva và Nghị định thư bổ sung vẫn là các văn bản pháp lý quan trọng trong việc xây dựng và phát triển khung pháp lý và điều chỉnh các vấn đề đương thời trong xung đột vũ trang. 

Năm 1977, cộng đồng quốc tế đã thông qua 02 điều ước quốc tế bổ sung cho các Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân chiến tranh là: Nghị định thư I về bảo hộ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế và Nghị định thư II về bảo hộ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 174 quốc gia phê chuẩn Nghị định thư bổ sung I và 77 quốc gia phê chuẩn Nghị định thư bổ sung II. Việt Nam đã phê chuẩn 04 Công ước Geneva năm 1949 vào ngày 28/7/1957 và Nghị định thư bổ sung I vào ngày 19/10/1981. Phù hợp với các nghĩa vụ theo các điều ước này, Việt Nam đã tiến hành việc trao đổi thông tin, viện trợ thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, trao trả tù binh trong thời kì chiến tranh và luôn đề cao ý nghĩa nhân đạo của các Công ước.

Cho đến nay, xung đột vũ trang ngày càng xảy ra nhiều hơn ở các khu đô thị tập trung đông dân thường. Việc sử dụng vũ khí nổ có sức công phá trên diện rộng ở các khu vực đông dân cư tiếp tục là nguyên nhân chính gây thương tích và tử vong cho dân thường và gây thiệt hại cho các mục tiêu dân sự. Điều này đã xảy ra trong các cuộc xung đột vũ trang gần đây và đang tiếp diễn tại Afghanistan, Gaza, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Ukraine, Yemen. Ở Syria, vào khoảng thời gian giữa năm 2011 và 2018, Tổ chức Hành động đối với vũ lực có vũ trang (AOAV) đã ghi nhận con số thương vong tại các khu vực đông dân cư lên tới trên 79 nghìn người, 85% trong số đó là dân thường và số liệu thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang

Hơn nữa, chiến lược bao vây được tái sử dụng gần đây tại các khu vực đông dân cư đã gây ra các tổn thất không nhỏ cho dân thường. Mặc dù không bị cấm bởi Luật Nhân đạo quốc tế hay gây ra các thiệt hại cho người và tài sản trực tiếp như việc sử dụng vũ khí nổ, chiến lược bao vây sử dụng tại các khu vực tập trung đông dân thường gây ra các khó khăn vô cùng lớn cho người dân như không được cung cấp các dịch vụ thiết yếu để duy trì cuộc sống; trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Một trong những lí do khiến các cuộc tấn công xảy ra nhiều hơn vì các khu vực đông dân này bị các bên tham chiến lạm dụng nhằm tạo nơi trú ẩn an toàn cho mình.

Có thể nói, xu hướng đô thị hóa của xung đột vũ trang càng nâng tầm quan trọng của việc thực thi ba nguyên tắc cơ bản của Luật Nhân đạo quốc tế. Một cuộc tấn công chỉ được coi là tuân thủ Luật Nhân đạo quốc tế nếu chúng tuân thủ cả ba nguyên tắc sau: (1) Nguyên tắc về sự phân biệt giữa dân thường và chiến binh, giữa những vật thể dân sự và những mục tiêu quân sự; (2) Nguyên tắc tương xứng khi tấn công; (3) Nguyên tắc cảnh báo trước khi tấn công.

Đối với nguyên tắc đầu tiên, trong trường hợp một bên tham chiến lợi dụng quyền được bảo vệ của dân thường và vật thể dân sự để lẩn trốn và tạo thành nơi trú ẩn cho mình, bên tham chiến còn lại được phép tấn công vào khu vực đó. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí nổ hay chiến lược bao vây chỉ được coi là hợp pháp khi bên tham chiến phải bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ cảnh báo người dân một cách hiệu quả để họ kịp thời di chuyển sang các khu vực an toàn khác. Đối với trường hợp sử dụng chiến lược bao vây, Luật Nhân đạo quốc tế cho phép các bên tham chiến được phép hỗ trợ dân thường sơ tán sang khu vực khác trong cả xung đột vũ trang quốc tế và phi quốc tế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến nhóm người được bảo vệ. Cuối cùng, các bên tham chiến phải có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc tương xứng bằng cách tính toán kĩ mức độ tàn phá và ảnh hưởng của việc sử dựng vũ khí nổ và chiến lược bao vây không được vượt quá lợi ích quân sự mà các bên tham chiến muốn đạt được. Ví dụ, Điều 54 của Nghị định thư bổ sung I và Điều 14 Nghị định thư bổ sung II cấm sử dụng biện pháp bỏ đói như một phương thức trong chiến tranh. Do đó, khi sử trong trường hợp sử dụng chiến lược bao vây, các bên tham chiến vẫn phải bảo đảm các tiện ích sống cơ bản cho người dân thường trong khu vực bị bao vây, không được phép khiến họ bị bỏ đói.

Chủ tịch Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế Peter Maurer khẳng định: “Các Công ước Geneva năm 1949 thuộc số ít các điều ước quốc tế ghi nhận sự tham gia của đông đảo các quốc gia. Cụ thể, đến nay, các Công ước Geneva năm 1949 đã được tất cả các quốc gia trên thế giới phê chuẩn”. Đây là một trong những công cụ pháp luật được chấp thuận một cách rộng rãi nhất trên toàn thế giới và phản ánh thành tựu của chủ nghĩa đa phương.

Thanh Tuấn

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *