Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13420

Bảo đảm thực chất hơn quyền của người lao động

 

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận vào tháng 5 và mới đây 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến. Qua các lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có bố cục 8 chương và 78 Điều (giữ nguyên số chương và giảm 02 điều so với Luật hiện hành).

Một số ý kiến cho rằng dự án Luật nên tập trung quy định các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch và xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật; đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Do vậy Ủy ban cho rằng cần phải được tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Nghị quyết số 67/2013/QH13, tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, đặc biệt đối với lao động nữ…

Nỗ lực bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ nhất, về vấn đề chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18 và Điều 19). Dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp dịch vụ và mở cơ chế cho doanh nghiệp có thể hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, việc này sẽ tận dụng được cơ sở vật chất và khả năng cung ứng của các cơ sở này, tránh lãng phí. Đồng thời, để khắc phục tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề… chưa sát với khả năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên dự thảo luật cần được chỉnh lý quy định về chuẩn bị nguồn lao động của dự thảo Luật theo hướng phân định rõ bước sơ tuyển, đào tạo bổ túc kỹ năng nghề nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nhưng hạn chế việc lạm dụng và tránh lãng phí xã hội không cần thiết.

Thứ hai, hoàn thiện bổ sung các quy định của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4). Ngoài quy định về chính sách của Nhà nước tại dự thảo Luật này thì Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng bổ sung tại Điều 4 của dự thảo Luật quy định dẫn chiếu Luật Việc làm và chỉnh lý các nội dung chính sách cho phù hợp để bảo đảm tính bao quát của chính sách việc làm trong nước cũng như việc làm ngoài nước đối với người lao động. Đồng thời, bổ sung làm rõ chính sách, chiến lược về đào tạo, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và sử dụng nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động nữ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài; doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và các đơn vị, tổ chức thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để bảo đảm bình đẳng giới và được cụ thể hóa tại các Điều 70, 71.

Thứ tư, hoàn thiện các chính sách đối với người lao động sau khi về nước (khoản 6 Điều 4 và Điều 61, Điều 62, Điều 63). Cần cụ thể hóa các chính sách đối với lao động sau khi về nước theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người lao động. Dự thảo luật dự kiến tiếp thu và chỉnh lý theo hướng bảo đảm tính liên kết trong thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm giữa quy định của luật này với chính sách hỗ trợ việc làm của Luật Việc làm, rà soát để tránh chồng chéo giữa các chính sách do ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng như từ nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thực hiện. Mặt khác, trong thực tế hiện nay rất nhiều tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương  đã có nghị quyết riêng về hỗ trợ lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở khả năng, điều kiện ngân sách của địa phương. Do vậy, dự thảo luật dự kiến bổ sung quy định “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp để có chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước” vào Điều 61 về hỗ trợ việc làm để đáp ứng điều kiện thực tiễn và trên cơ sở nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các địa phương sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.             

Thứ năm, bỏ quy định người lao động phải đóng một phần phí môi giới cùng với doanh nghiệp, bổ sung nguyên tắc để xác định mức trần tiền dịch vụ, đảm bảo quyền lợi người lao động. Đồng thời sửa đổi bổ sung quy định việc hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo hướng tập trung vào xử lý những rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Quỹ này do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên việc xác định Quỹ này là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là chưa thực sự phù hợp. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: (1) Bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vì không phù hợp với tinh thần của nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; (2) Các nhiệm vụ chi phải tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người lao động, cho doanh nghiệp, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài….

Về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (các điều 11, 12 và 17). Thống nhất giữ như quy định của Luật hiện hành không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bỏ khoản 2 Điều 11 của dự thảo) nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung các điều kiện đối với doanh nghiệp được cấp giấy phép, cũng như bổ sung các quy định cụ thể về các trường hợp nếu doanh nghiệp dịch vụ vi phạm hoặc không đáp ứng được thì sẽ phải nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép, cơ bản bảo đảm bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, nên việc cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và cập nhật hệ thống báo cáo thường xuyên, định kỳ phù hợp mới là công cụ hiệu quả để bảo đảm thực thi pháp luật và hạn chế các vi phạm pháp luật..

Bùi Sỹ Lợi 

Phó Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *