Là một dân tộc phương Đông, nơi tồn tại văn hóa gia đình nhiều thế hệ và gắn kết cộng đồng, người cao tuổi (NCT), các già làng, trưởng bản luôn luôn là trụ cột trong đời sống gia đình và xã hội ta. Có thể nói NCT là nhóm xã hội tinh hoa của cộng đồng, là người duy trì, bảo vệ truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa Dân tộc.Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ NCT Việt Nam đã có những cống hiến to lớn, góp phần vun đắp nên truyền thống vẻ vang, các giá trị dân tộcViệt Nam.
Người cao tuổi có vai trò “kép.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò, vị trí của NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn nhớ, năm 1941 khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã viết trong thư “Kính cáo đồng bào” (6-6-1941) rằng: “Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần[2] trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”.
Trong các Cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng ta luôn xem NCT có vai trò “kép”. Đó là nhóm xã hội trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đồng thời là còn đóng góp vào việc giáo dục, dìu dắt, động viên thế hệ trẻ đi theo con đường cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Cho đến nay hình ảnh các chiến sỹ “ Bạch đầu quân”, các “ cụ già bắn rơi máy bay”… vẫn còn ghi đâm nét trong văn hóa nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với NCT ngày càng được hoàn thiện, tương thích với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có “ Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị”; “Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, 1966.
Hai Công ước nói trên quy định tất cả mọi người, không phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm … hoặc địa vị khác, trong đó có tuổi tác… đều có các quyền con người về Dân sự, Chính tri, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Báo cáo chính trị tại Đại hội X, 2006 của Đảng ta xác định: “Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội. Chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa…”. Thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, với truyền thống Dân tộc và theo tinh thần của Luật quốc tế về quyền con người, Quốc hội khóa XII đã xây dựng và thông qua “Luật Người cao tuổi” (ngày 23/11/2009).
Luật này đã xác định NCT có vị trí, vai trò to lớn, là tiềm năng quý giá, một lực lượng xã hội quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật NCT cũng quy định các chính sách cụ thể về chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội. Để thực hiện Luật NCT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 1781/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020”.
Chương trình này đã xác định mục tiêu là “Phát huy vai trò của người cao tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước… Chương trình Quốc gia đã đề ra các hoạt động cụ thể, toàn diện hướng vào NGCT.
Đó là các hoạt động như: phát huy vai trò người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến NCT; xây dựng và nhân rộng mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng; hoạt động giúp NCT chủ động chuẩn bị cho tuổi già và Hoạt động đào tạo cán bộ chuyên ngành giám sát, đánh giá nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến NCT.
Dựa trên quan điểm của Đảng các Hiến pháp ( từ Hiến pháp đầu tiên, 1946 cho đến Hiến pháp 2013) đều có quy định về NCT. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Khoản 3, Điều 37).
Dựa trên Hiến pháp, nhiều bộ luật đã có quy định đối với NCT. Luật Hôn nhân và gia đình, quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, …; Cháu có bổn phận… chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ngoại”; Luật “Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân” đã dành một chương riêng quy định về Bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi … Đặc biệt Bộ “Luật hình sự”, 1999 đã có 2 Điều quy định tội danh đối với NCT. Đó là tội “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” (Điều 151); “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” cha mẹ, ông bà ( Điều 152 ).
Trong vài thập kỷ gần đây, NCT đã trở thành một vấn đề lớn của cộng đồng quốc tế. Năm 2015, Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức hội nghị lần thứ 6 của Nhóm công tác mở về NCT để bàn về xây dựng Công ước về quyền của NCT.
Việt Nam có đại diện tham gia sự kiện quan trọng này. Hội nghị này đã ghi nhận sự thay đổi về quan điểm, nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với NCT. Sự thay đổi này xuất phát từ 2 nguyên nhân cơ bản, đó là: Già hóa dân số (GHDS) trên thế giới ngày càng gia tăng và cách nhìn nhận về NCT trong cộng đồng quốc tế đã thay đổi.
Tình trạng già hóa dân số không chỉ diễn ra ở các nước phát triển mà còn ở cả những nước đang phát triển. Nguyên nhân chính của GHDS là do mức sống và tiến bộ trong y học khiến tuổi thọ được nâng cao, đồng thời xu hướng hạn chế sinh đẻ cũng là một nguyên nhân. Như vậy, GHDS chính là thành tựu phát triển của loài người.
Tuy nhiên, khi xã hội có nhiều NCT sẽ tạo ra những thách thức về xã hội, kinh tế và văn hóa. Có thể tính đến 3 thách thức chính sau:
Thứ nhất, về cơ cấu xã hội, gia đình: Trước kia, trách nhiệm chăm sóc NCT hầu hết thuộc về trách nhiệm của mỗi gia đình, ngày nay trách nhiệm đó dường như đã tới hạn, cần sự hỗ trợ của xã hội. Chẳng hạn về dịch vụ, loại hình chăm sóc NCT…
Thứ hai, về y tế: Sự gia tăng số NCT kéo theo nhu cầu được chăm sóc về y tế và các loại hình chăm sóc khác tăng cao.
Thứ ba, về kinh tế: GHDS sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng, thị trường lao động, trợ cấp hưu trí, …
Tình hình trên cũng đang diễn ra ở nước ta với những khác biệt và thách thức lớn hơn.
Theo một số nghiên cứu, năm 2010 Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ GHDS ( với tỷ 10% người 60 tuổi trở lên). Năm Việt Nam 2012 số người từ 60 tuổi trở lên là 9.016.604 người, chiếm tỷ lệ 10,2% và tỷ lện này đang gia tăng với tốc độ “ phi mã”. Nếu như thời gian bước vào thời kỳ GHDS ở các nước, như Thụy Điển là 85 năm, Australia là 73 năm, Mỹ là 69 năm, Canada là 65 năm, Trung Quốc là 26 năm, Nhật Bản là 26 năm,…thì Việt Nam chỉ cần 17-20 năm!
Theo Luật Người cao tuổi 2010, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được gọi là người cao tuổi.Luật cũng dành một Chương quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi với các quy định cụ thể về chăm sóc sức khỏe; về các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, sử dụng các công trình công cộng và tham gia giao thông; về bảo trợ xã hội; về chúc thọ, mừng thọ, tổ chức tang lễ, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; chính sách của Nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với người cao tuổi; quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi; đồng thời quy định rõ các hành vi bị cấm thực hiện đối với người cao tuổi.
Nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Luật Người cao tuổi, Chính phủ đã cam kết thực hiện Tuyên bố Chính trị và Chương trình Hành động Madrid năm 2002, phù hợp với chính sách quốc gia và của Liên Hợp quốc về Người cao tuổi.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã phê duyệt việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi trong xã hội, phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hiện nay, khoảng 1.617.367 người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng. Hơn 1.500.000 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ. 912.357 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Hơn 1.270.000 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi chăm sóc sức khỏe. 97 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa, so với năm 2016, tăng 47 bệnh viện có khoa lão khoa. Tỷ lệ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế đạt 92,8%. 540.000 lượt người cao tuổi được giảm giá vé trên các phương tiện công cộng. 100% tỉnh, thành phố, trên 70% xã, phường, thị trấn thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Khó khăn, thách thức
Khó khăn lớn đối với NCT ở nước ta là, họ chủ yếu sống ở vùng nông thôn, là nông dân. Hầu hết họ không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Trên 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải tự lao động, bươn chải trong cuộc sống, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chỉ có 25,5% số người này sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội[3]. Mặt khác, xu hướng quy mô gia đình nhiều thế hệ Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân ( chỉ một thế hệ) khiến nhiều cụ già trở nên cô đơn, gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này lại diễn ra khi Việt Nam chỉ mới vừa “thoát nghèo”.
Trước hết về mặt nhận thức.
Trong xã hội ta ngày nay trách nhiệm đối với NCT không thể chỉ thuộc về gia đình, con cháu mà còn thuộc về xã hội, thuộc về trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trân Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội cần quan tâm đúng mức đến Hội NCT, đến cuộc sống của họ trong gia đình, cộng đồng. Các quyền của NCT cần được xem xét đầy đủ về vật chất, tinh thần theo Chương II “ Quyền con người, quyền và ngĩa vụ công dân”, Hiến pháp 2013. Nhận thức này cần thay đổi không chỉ ở các cơ quan, tổ chức mà ngay cả trong gia đình, các thế hệ con, cháu. Chẳng hạn, con cháu không nên kỳ thị với ông, bà khi họ cần có cuộc sống gia đình, hôn nhân mới để chăm sóc lẫn nhau.
Về mặt sinh học và xã hội.
Cùng với tuổi thọ được nâng cao, sức khỏe của NCT cũng được nâng cao đáng kể, cho nên cần có sự thay đổi nhận thức đối với khả năng lao động, đóng góp của NCT. Ngay nay xã hội không nên chỉ thấy NCT giống như nhóm người dễ bị tổn thương, mà cần thấy NCT còn là nguồn lực của xã hội, đặc biệt là về tri thức, kỹ năng sống,…khả năng vận động gia đình, xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước…với những kinh nghiệm sống nhiều mặt, NCT có thể vẫn tiếp tục đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện Chính sách, Pháp luật, Chương trình liên quan đến NCT.
Hiện nay chúng ta đã có cơ sở thông tin, số liệu ,…để xem xét, điều chỉnh lại nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống của NCT. Chẳng hạn như cần giải quyết “ mâu thuẫn thế hệ”. Quốc hội cần xem xét nâng tuổi nghỉ hưu hiện nay đến mức nào để một mặt phát huy đóng góp của NCT cho xã hội, giải quyết những thiếu hút của quỹ bảo hiểm nhưng không làm mất cơ hội có việc làm của thế hệ trẻ.
Các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp và các cơ quan chức năng chuyên trách về NCT cùng với Hội NCT cần thúc đẩy Chương trình Quốc gia về NCT đã được Chính phủ thông qua hướng tới các mục tiêu của Chương trình, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe NCT ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCT nhằm giảm bớt gánh nặng của Nhà nước.
Thứ ba, Hội NCT cần được phát triển rộng rãi hơn nữa, nhất là ở nông thôn.
Các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Các cơ quan Đảng, chính quyền không chỉ giúp Hội về chủ trương, chính sách (“ cần câu”), mà cần trợ giúp về tài chính (cả “ cá”) đối với Hội. Bản thân Hội cần có Chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của Hội để tự khẳng định mình đối với xã hội.
Tôn trọng, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NCT không chỉ vì NCT mà còn vì sự phồn vinh, vì bản chất nhân văn của xã hội ta./.
Cao Phương An