Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34330

Bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng Kỳ 1: Tự do ngôn luận – một trong những quyền con người cơ bản

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, nhất là mạng xã hội đã làm xuất hiện những vấn đề mới và đặt ra không ít thách thức cho Nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đảm bảo tự do ngôn luận và đấu tranh phòng, chống lạm dụng, lợi dụng quyền tự do ngôn luận trong không gian mạng.

Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tư do ngôn luận trên không gian mạng

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR, 1948) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966). Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới” (Điều 19, UDHR). Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ” (Điều 19, ICCPR). Tự do ngôn luận là cơ sở quan trọng để thực hiện đầy đủ các quyền con người khác, và gắn liền với quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, lập hội, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quyền tham gia quản lý các công việc của nhà nước và xã hội[1].

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay, hình thức thể hiện của tự do ngôn luận đã có sự biến đổi to lớn. Internet và mạng xã hội trở thành công cụ phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư tưởng, truyền bá thông tin, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Sức lan toả và ảnh hưởng của nó đôi khi còn mạnh mẽ và nhanh chóng hơn cả báo chí truyền thống và các hình thức biểu đạt khác. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và pháp lý, trong đó có vấn đề kiểm soát thông tin và những giới hạn của tự do ngôn luận trên mạng xã hội.

Tự do nói chung, tự do ngôn luận trên mạng xã hội nói riêng cần có giới hạn, đó là tự do trong khuôn khổ, chứ không phải tự do vô tổ chức. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948, Công ước nhân quyền châu Âu 1953, hay Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng nhấn mạnh tự do ngôn luận phải chịu những giới hạn nhất định. Mỗi quốc gia tuỳ vào tình hình thực tế của mình để cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân. Luật nhân quyền quốc tế nhìn chung giới hạn tự do ngôn luận chủ yếu là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự (đời tư) của người khác, bảo vệ bí mật kinh doanh, chống kỳ thị, phân biệt đối xử, chống kích động bạo lực, chiến tranh. Những chỉ trích, phê phán chính quyền, bày tỏ quan điểm về chính sách cũng sẽ bị giới hạn nếu đó là những kêu gọi bạo loạn, đe doạ đến trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung chứ không phải là sự tuyệt đối hoá tự do cá nhân, không thể lợi dụng tự do ngôn luận để viết bừa, nói bậy, xuyên tạc với ý đồ xấu, bất chấp luân lý và luật pháp.

[1] Hoàng Đức Nhã, Quyền tự do ngôn luận thông qua mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, luận văn thạc sĩ luật học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2016.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *