Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15713

Bảo đảm quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân

Ở Việt Nam, gia đình luôn được xác định là thiết chế xã hội rất quan trọng – là tế bào của xã hội. Vậy, vấn đề quyền con người trong gia đình như thế nào? Quyền con người của các thành viên trong gia đình đã được bảo đảm như thế nào?

Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân được đề cập trong Điều 16 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Theo điều này thì: nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ cũng có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này khẳng định, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ.

Trong Điều 5 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, trong đó bao gồm một trong những quyền cơ bản là quyền được kết hôn và được tự do lựa chọn người phối ngẫu.

Gia đình là tế bào hạt nhân của xã hội.

Tại Việt Nam, quyền tự do kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân luôn được quan tâm, chú trọng.

Điều 36 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” và “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.

Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình gồm:
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”.

Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình (Điều 4); quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập và thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, các hành vi bị cấm nếu xâm hại đến quan hệ hôn nhân và gia đình (Điều 5), trong đó có hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi…

Đặc biệt, quyền con người luôn được đề cao trong quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, cụ thể:

– Nhóm quyền về nhân thân

Pháp luật về hôn nhân và gia đình công nhận và bảo vệ quyền kết hôn của công dân: Cá nhân đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn. Các hành vi lừa dối, cướng ép hoặc cản trở trong kết hôn bị nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật (dân sự, hành chính, hình sự) tùy hành vi và mức độ vi phạm. Không phân biệt đối xử trong kết hôn, quyền kết hôn không phụ thuộc vào địa vị, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo và quốc tịch… Tuy nhiên việc kết hôn giữa những người cùng giới không được nhà nước thừa nhận vì yếu tố văn hóa và tính tự nhiên trong quan hệ hôn nhân.
Bên cạnh việc công nhận quyền kết hôn, pháp luật cũng công nhận và bảo vệ quyền ly hôn của vợ chồng.

Công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật hôn nhân gia đình và các luật khác có liên quan. Vợ, chồng được tự do lựa chọn nơi cư trú theo thảo thuận của vợ chồng, không bị ràng buộc bời phong tục, tập quán địa giới hành chính. Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; tạo điều kiện giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được quy định tại điều 20, 21, 22, 23 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Quyền của phụ nữ trong gia đình ở Việt Nam luôn được chú trọng

– Nhóm quyền về tài sản

Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Quyền tự do cá nhân và sự độc lập trong hôn nhân cũng được đề cao khi pháp luật thừa nhận vợ chồng có quyền sở hữu tài sản riêng. Pháp luật cũng quy định quyền tự quyết trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng tại điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của vợ hoặc chồng mình.

Quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được toàn thế giới công nhận như một nhóm quyền con người về dân sự. Công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình là một trong những tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đã có nhiều quy định về công nhận, thực hiện và bảo về quyền con người như: Hiến chương Liên hợp quốc, Cong ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ… Không nằm ngoài vòng quay đó, Nhà nước ta hiện này, quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân gia đình đã trở thành một trong những quyền cơ bản nhất của cá nhân được pháp luật ghi nhận. Nguyên tắc để thực thi và bảo đảm quyền con người về hôn nhân gia đình ở Việt Nam là bình đẳng, không phân biệt đối xử, thừa kế và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *