Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
44363

Bảo đảm quyền của của người lao động đi làm việc ở nước ngoài Kỳ 1: Người dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập và trình độ kiến thức là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và là quyền tự do của mọi người

Một số tổ chức nhân quyền ra thông cáo cho rằng có tình trạng lạm dụng người lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, kêu gọi chấm dứt tình trạng mua bán người ở hai nước, cho rằng chính quyền, doanh nghiệp Việt Nam lơ là, tắc trách trong công tác bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ và bảo hiểm nghề nghiệp của người lao động khi lao động ở nước ngoài. Một số tổ chức phản động tiếp tục xuyên tạc về tình hình đời sống, các vụ việc nhạy cảm (bạo hành, nợ lương…) liên quan số lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út để xuyên tạc, chỉ trích, vu cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền, có liên hệ với các đường dây buôn người. Đây là những đánh giá thiếu khách quan, hòng lợi dụng danh nghĩa bảo vệ người Việt Nam lao động tại nước ngoài để lôi kéo người tham gia tổ chức, làm nóng vấn đề lên các diễn đàn quốc tế, khuếch trương thanh thế của “tổ chức”, làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, chống phá Đảng, Nhà nước ta. 

Lao động làm thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc làm việc

Đảm bảo hỗ trợ, tạo điều kiện để họ ra nước ngoài làm việc 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội của đất nước những năm 1980, 1990 gặp nhiều khó khăn, trong khi lực lượng lao động dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp, chúng ta chủ trương đưa một bộ phận thanh niên và người lao động không có việc làm trong nước ra nước ngoài làm việc để giải quyết việc làm và qua đó đào tạo nghề cho người lao động. Những năm tiếp theo, mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ giải quyết việc làm, đào tạo nhân lực mà còn góp phần nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện đời sống gia đình họ, cũng như xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động thuộc các khu vực khó khăn như vùng nông thôn, miền núi và ven biển.

Trong thời gian qua, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí và dư luận xã hội quan tâm hợp tác trong công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ngoài nước qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động. Cùng với đó, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể qua các  năm, từ vài nghìn người những năm đầu 1990, đến vài chục nghìn những năm tiếp theo và những năm gần đây có trên 100 nghìn người, cụ thể: 2016: 126 nghìn; 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn; tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội của toàn cầu, đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi đến việc tổ chức chuyến bay cho lao động đi ra nước ngoài và về nước, số lao động đi làm việc nước ngoài giảm đáng kể, năm 2020: 78 nghìn; năm 2021: 45 nghìn. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đã cố gắng, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam đóng cửa, như Nhật Bản từ cuối tháng 1/2021, Đài Loan từ giữa tháng 5/2021, Hàn Quốc đến tháng 5/2021 mới tiếp nhận trở lại lao động sau hơn 1 năm đóng cửa, nhưng trong nước nhiều địa phương thực hiện giãn cách do dịch bệnh bùng phát mạnh.

Theo số liệu ước tính số lượng người lao động  Việt Nam làm việc ở nước ngoài hiện nay có khoảng 580 nghìn người, cụ thể: Đài Loan có 230.000 người; Nhật Bản có gần 250.000 người; Hàn Quốc có gần  50.000 người; còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông – Châu Phi, Đông Nam Á và Châu Âu).

Người lao độngViệt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình). Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đánh giá người lao động Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.

Kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở  nước ngoài nói trên, không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước (chiếm tỷ lệ khoảng 7 – 9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước), mà còn qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Ngoài ra người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiên từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhu cầu cá nhân hoàn toàn chính đáng

Việc người dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập và trình độ kiến thức, kỹ năng nghề là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và là quyền tự do của mọi người. Tại Điều 23 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã ghi nhận, công dân có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc. Trong suốt thời gian qua, từ những năm 1980 của Thế kỷ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực lao động, việc làm nói chung và người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng, Nhà nước đã thể chế hóa thành quy định pháp luật, hợp tác với các nước và khu vực trên thể giới thông qua các điều ước và thỏa thuận quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tại kỳ họp thứ 10, tháng 11 năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật số 72/2006/QH-11 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước  ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Luật số 72) có hiệu lực từ 01/7/2007. Qua 15 năm triển khai thực hiện Luật số 72 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đến sự hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cũng như sự tương thích với một số Bộ luật, Luật trong nước và Điều ước Quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia.

Tại kỳ hợp lần thứ 10, tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Luật số 69) nhằm: (i) Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; (ii) Giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong thực hiện vừa qua và điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; (iii) việc hợp tác quốc tế về tổ chức và quản lý lao động di cư, phát triển việc làm ngoài nước và bảo vệ quyền của người lao động di cư tương thích với các điều ước, thỏa thuận quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia.

VK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *