Bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.
Quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được quy đinh rõ tại các Điều 27, 28, 29 Hiến pháp năm 2013.
Điều 27 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện quyền này do luật định”. Điều 28 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (Khoản 1); đồng thời nêu rõ “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Khoản 2)… quyền bầu cử, ứng cử
Đồng thời, Hiến pháp quy định công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), thể hiện tầm quan trọng của quyền biểu quyết nói riêng và quyền của người dân được bày tỏ chính kiến, tham gia đóng góp ý kiến đối với Nhà nước. Các quy định trên của Hiến pháp đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm cho công dân được thực sự tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.
Ngoài Hiến pháp năm 2013, quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội còn được quy định tại nhiều văn bản luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra… và các văn bản khác có liên quan.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 25/6/2015 đã tạo khung pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Luật bầu cử quy định rõ việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú… đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều có quyền như nhau khi tham gia bầu cử, ứng cử, không có phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 cũng có những quy định cụ thể:
Về dự kiến phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu, Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, danh sách cử tri, việc ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như các quy định về tuyên truyền, vận động tranh cử, nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu, kết quả bỏ phiếu… Những quy định này đã hoàn thiện chế định bầu cử, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cao (hơn 99%) tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2011 cho thấy người dân ý thức rõ về quyền của mình và vai trò ngày càng tăng của Quốc hội trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại các kỳ họp Quốc hội, phần các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ luôn được truyền hình trực tiếp. Các phiên họp này đã thực sự trở thành diễn đàn để người dân, thông qua đại biểu do họ bầu ra, chất vấn và phản biện các chính sách, cách thức điều hành của Chính phủ và nêu các ý kiến, giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức của đất nước.
Nghĩa vụ bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân là yêu cầu và nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, được thể hiện rõ trong đường lối, chủ trương của Nhà nước Việt Nam.
Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cấp địa phương – nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước – được coi là mục tiêu và động lực bảo đảm thắng lợi của công cuộc Đổi mới tại Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam chủ trương tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp, nhất là cấp cơ sở. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý, điều hành ở địa phương, nơi mà cộng đồng dân cư Việt Nam vốn có truyền thống làng xã, các mối quan hệ xã hội vốn luôn được điều chỉnh trên cơ sở tự nguyện, tự quản. Quy chế Dân chủ ở cơ sở do Nhà nước ban hành năm 1998 đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Nhờ đó, người dân tham gia rộng rãi và mạnh mẽ vào quản lý nhà nước và xã hội, tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Nhà nước Việt Nam cũng chủ trương mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp
Tạo thêm không gian mới cho sự tham gia của người dân, đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông như: đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân thông qua gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến (online); tổ chức các buổi họp báo, chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình, chương trình “Dân hỏi Chủ tịch UBND trả lời” ở các cấp chính quyền địa phương…; tổ chức các cuộc khảo sát sự hài lòng của công dân đối với các dịch vụ hành chính công thông qua phiếu khảo sát ý kiến người dân, phần mềm lấy ý kiến người dân; tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Việc thực hiện dân chủ trực tiếp tại cơ sở còn được thể hiện qua việc người dân tham gia giám sát công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc xác định tính phù hợp của các mục tiêu, chủ trương, chính sách, tính khả thi và mức độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các giải pháp…, qua đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, cũng như cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thực hiện đường lối chính sách và pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
Đặc biệt, ngày 25/11/2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân, gồm 8 Chương, 52 Điều
Quy định cụ thể phạm vi, nguyên tắc trưng cầu ý dân; quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân, trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Việc thông qua Luật Trưng cầu ý dân chính là nhằm bảo đảm nhân dân được trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.