Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
685

Bác bỏ luận điệu chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Gần đây, hàng luật luận điệu sai trái đã được thành phần chống phá Việt Nam như Việt Tân, Lê Trung Khoa, Nguyễn Văn Đài đưa ra: “Chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, lạc hậu”; “Chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp với Việt Nam”; “Chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hoàn toàn không có bình đẳng xã hội, không có an sinh, phúc lợi xã hội gì cả, mọi thứ đều phải trả tiền”; “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, kiên định với “chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là “lạc nhịp”, “đi ngược xu thế”…Các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam không chỉ sai trái về bản chất mà còn thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn. Đây là những hành động với mục tiêu chính trị đen tối, nhằm phá hoại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, gây mất đoàn kết xã hội và tạo ra bất ổn.

Thứ nhất, bàn về luận điệu “CNXH đã lỗi thời, lạc hậu”. Đây là một nhận định thiển cận và phiến diện, không dựa trên thực tiễn và thành tựu phát triển của các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, Trung Quốc, với chủ nghĩa xã hội đặc sắc, đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đạt được những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và cải thiện đời sống nhân dân. Việt Nam, sau gần 40 năm đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: GDP tăng trưởng liên tục, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, chỉ số phát triển con người (HDI) ngày càng cao, uy tín quốc tế được nâng cao.

Thứ hai, về luận điệu “CNXH không phù hợp với Việt Nam”. Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam được Đảng ta lựa chọn không phải dựa trên ý chí chủ quan mà trên cơ sở thực tiễn lịch sử và xu thế phát triển của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng, chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam mới giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thứ ba, về luận điệu “Không có bình đẳng, an sinh xã hội trong CNXH ở Việt Nam”, thực tế Việt Nam luôn chú trọng thực hiện công bằng xã hội và an sinh xã hội, thể hiện qua chính sách y tế, giáo dục miễn phí hoặc trợ cấp, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Các chính sách như bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng nhà ở xã hội, và các chương trình giảm nghèo đã cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân.

Thứ tư, với luận điệu “Kiên định CNXH là lạc nhịp, đi ngược xu thế”, các thế lực thù địch cố tình bóp méo sự thật, cho rằng CNXH đi ngược xu thế thời đại. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Xu thế toàn cầu hóa hiện nay không chỉ tập trung vào kinh tế thị trường mà còn đòi hỏi sự điều chỉnh của nhà nước nhằm đảm bảo công bằng, phát triển bền vững – những giá trị mà CNXH đã đề cao từ lâu.

Thành tựu và tính đúng đắn của con đường CNXH ở Việt Nam thể hiện rõ qua thành tựu kinh tế và phát triển xã hội

Về tăng trưởng kinh tế: Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị – điều mà nhiều quốc gia không làm được.

Về phát triển xã hội: Các chương trình giáo dục phổ cập, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và chương trình giảm nghèo đã giúp cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của người dân.

Các thế lực thù địch không nhằm góp ý hay cải thiện tình hình đất nước, mà mục tiêu chính là làm suy giảm niềm tin của nhân dân, phá hoại sự ổn định chính trị và tạo ra các mâu thuẫn xã hội. Chúng sử dụng các chiêu bài “đa nguyên, đa đảng,” “tự do, dân chủ” để áp đặt mô hình phương Tây lên Việt Nam, trong khi những mô hình này không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Lợi dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận hoặc trích dẫn một phần sự thật, kết hợp với suy diễn, bóp méo để làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, về tính vô căn cứ của luận điệu “đa nguyên, đa đảng”. Nhiều quốc gia áp dụng mô hình đa nguyên, đa đảng nhưng lại rơi vào bất ổn chính trị, phân hóa xã hội sâu sắc, thậm chí dẫn đến nội chiến và xung đột. Việt Nam, với hệ thống chính trị một đảng lãnh đạo, đã duy trì được sự ổn định, đoàn kết và phát triển – những yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ độc lập, chủ quyền.

Dân chủ ở Việt Nam không phải là “dân chủ hình thức” như ở một số quốc gia khác, mà là dân chủ thực chất, lấy nhân dân làm trung tâm. Người dân không chỉ được hưởng các quyền tự do, mà còn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, giám sát và phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Như vậy, con đường đi lên CNXH của Việt Nam không chỉ là lựa chọn đúng đắn mà còn là sự đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng của đất nước. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch như Việt Tân, Lê Trung Khoa hay Nguyễn Văn Đài là sai trái, vô căn cứ và mang mục đích đen tối. Niềm tin của nhân dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và những thành tựu thực tiễn đã chứng minh rằng con đường CNXH là phù hợp nhất với Việt Nam và không gì có thể làm lung lay quyết tâm của Đảng và nhân dân ta.

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *