Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9989

Anh cam kết kiểm soát chặt chẽ biên giới, chuẩn bị đưa ra dự luật chống nhập cư trái phép

Ngày 6/3, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman cho biết sẽ thông báo dự luật chống nhập cư bất hợp pháp mới tại Hạ viện trong ngày 7/3 (theo giờ địa phương).

Cụ thể, theo luật sắp được công bố, chính phủ Anh sẽ có quyền giam giữ và trục xuất những người nhập cư trái phép trở về nước nơi họ xuất phát, hoặc tạm thời sang quốc gia khác như Rwanda, để làm thủ tục xin tị nạn.

Đồng thời, chính phủ nước này sẽ không xem xét đơn xin tị nạn của những người nhập cư vượt biển vào Anh trên những chiếc thuyền nhỏ. Tuy nhiên, người nhập cư sẽ không bị trục xuất nếu có hoàn cảnh đặc biệt liên quan đến tị nạn, nhân quyền hay nô lệ.

Đặc biệt, dự luật còn trao quyền cho Bộ trưởng Nội vụ Anh trong việc bác bỏ sự can thiệp của Tòa án châu Âu, tránh tái diễn trường hợp tòa án này ngăn chặn Anh trục xuất người nhập cư qua eo biển Manche sang Rwanda vào mùa hè năm 2022.

Ngoài ra, trong dự luật được đề xuất cũng có riêng một thông báo về việc sẽ không tuân thủ Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR).

Bộ trưởng Nội vụ Braverman khẳng định, bà và Thủ tướng Rishi Sunak đã làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo đưa ra một dự luật có hiệu lực, và “chúng tôi đã tiến tới ranh giới của luật pháp quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Trước đó, ngày 5/3, Thủ tướng Sunak đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ: “Bất cứ ai nhập cư bất hợp pháp vào Anh sẽ không thể ở lại”.

Đối mặt áp lực phải đưa ra giải pháp ngăn dòng người nhập cư từ châu Âu vào Anh, ông Sunak đã nhận định, việc ngăn chặn các thuyền nhỏ chở người di cư là một trong năm ưu tiên hàng đầu.

Chính phủ Anh trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục những nỗ lực nhằm kiểm soát tình hình biên giới, với luật mới dự kiến được đưa ra vào ngày 7/3, trong bối cảnh hơn 45.000 người đã di cư tới Anh chỉ trong năm 2022.

Năm ngoái, Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông qua thỏa thuận chuyển hàng chục nghìn người nhập cư tới Rwanda, chủ yếu từ Afghanistan, Syria và các khu vực khác có xung đột. Chính sách này đã vấp phải nhiều tranh cãi, sau khi chuyến bay chở người di cư đầu tiên bị hủy vào phút chót, theo phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *