Một người dân đạp xe trên tuyến đường ở thủ đô New Delhi trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, ảnh chụp ngày 27/5/2024

Cục Khí tượng Ấn Độ ngày 29/5 cho biết, cảnh báo đỏ ngụ ý “khả năng rất cao” người dân “mắc bệnh do nhiệt và say nắng” đồng thời kêu gọi “chăm sóc đặc biệt” cho những người dễ bị tổn thương. Cảnh báo này được đưa ra sau khi các khu vực của thủ đô New Delhi ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay, ở mức gần 50℃.

Quốc gia này đã phải vật lộn với nhiệt độ cao bất thường trong mùa hè này và cơ quan thời tiết cho biết các tình trạng nắng nóng đến sóng nhiệt nghiêm trọng có thể sẽ tiếp tục ở một số khu vực, bao gồm cả thủ đô New Delhi.

Ấn Độ tuyên bố đợt nắng nóng khi nhiệt độ tối đa của một khu vực cao hơn bình thường từ 4,5℃ đến 6,4℃. Trong khi đợt nắng nóng gay gắt được tuyên bố khi nhiệt độ tối đa cao hơn bình thường từ 6,5℃ trở lên.

Phần lớn khu vực miền bắc và miền trung Ấn Độ hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt vào ngày 28/5 với nhiệt độ vượt quá 50℃ ở Churu (bang Rajasthan) và Sirsa (bang Haryana). Trong khi các trạm thời tiết địa phương ở các khu phố Mungeshpur và Narela của New Delhi đã ghi nhận nhiệt độ 49,9℃ vào ngày 28/5 – cao nhất trong lịch sử của thành phố và cao hơn 9℃ so với bình thường.

Trong bối cảnh nắng nóng, chính quyền địa phương New Delhi cũng hạn chế cung cấp nước vì nắng nóng khiến mực nước ở nguồn chính là sông Yamuna đang ở mức thấp. Bộ trưởng quản lý nguồn nước của chính quyền New Delhi, ông Atishi đã kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Truyền thông địa phương đưa tin, có thêm 3 người ở Jaipur, bang Rajasthan tử vong do nắng nóng hôm 28/5, nâng số người thiệt mạng trong thành phố lên 4 người và toàn bang lên ít nhất 13 người.

Giới chức khuyến nghị người dân sống tại các bang phía tây và phía bắc Ấn Độ hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt, uống nhiều nước và mặc quần áo sáng màu.

Hàng tỷ người trên khắp châu Á, bao gồm cả nước láng giềng Pakistan của Ấn Độ, đã trải qua một mùa hè nóng hơn trong năm nay. Các nhà khoa học quốc tế cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này bắt nguồn từ biến đổi khí hậu do con người gây ra./.