Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26106

Tham nhũng cả bữa ăn của học sinh?

“Ăn chặn” bữa ăn của học sinh: trò đáng xấu hổ sao vẫn cứ tái diễn?

Ngành công an cần vào cuộc điều tra, nếu số tiền “ăn chặn” bữa ăn của học sinh đủ nhiều đến mức phải xử lý hình sự thì cần truy tố để làm lành mạnh môi trường chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Liên tiếp xảy ra tình trạng “tham nhũng” bữa ăn của học sinh

Theo phản ánh của phụ huynh trường Tiểu học Phước Long 1, TP Nha Trang, vào giữa tháng 10, khi kiểm tra thì họ phát hiện lượng thức ăn không giống như nhà bếp thông báo. Cụ thể như thịt heo thì ban đầu nhà bếp báo 65kg nhưng phụ huynh yêu cầu cân lên chỉ được 32kg.

Sau đó nhà bếp mua thêm thành được 44kg nhưng lại nói vì thức ăn thấy ít nên tự bỏ tiền túi mua thêm. Điều này gây ra nhiều lo lắng, nghi ngờ từ phụ huynh khi con em đi học về “than đói, ăn không ngon”.

Sau khi phụ huynh nghi ngờ về chất lượng suất ăn cho học sinh và đòi quyền lợi từ giữa tháng 10, ngành chức năng TP Nha Trang đã về trường kiểm tra, làm việc nhưng phụ huynh chờ đợi một tháng qua, đến nay chưa nhận được bất kỳ một câu trả lời hay phản hồi thiện chí nào từ nhà trường và Phòng GD&ĐT.

“Ăn chặn” bữa ăn của học sinh: trò đáng xấu hổ sao vẫn cứ tái diễn? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bữa cơm trưa ngày 22/10 của học sinh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi làm phụ huynh bức xúc.

Sau đó xảy ra sự việc trường Tiểu học Newton Goldmark Hà Nội từ chối cung cấp suất ăn cho 39 học sinh, sau khi phụ huynh của 39 em này “dám” ý kiến với trường về chất lượng của nguồn thực phẩm không đảm bảo.

Liền sau đó là vụ việc các phụ huynh của Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Quận 9, TPHCM phát hiện đồ ăn trưa của các con ở trường vừa bị ăn bớt về số lượng, lại sử dụng thực phẩm thối hỏng, giá rẻ bằng 1/3 giá thị trường. Sau đó cách hành xử của lãnh đạo trường lại càng khiến phụ huynh thất vọng thêm.

Trước đó còn rất nhiều vụ việc khác liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn của học sinh tại nhiều nơi được báo chí đăng tải.

“Không hiểu điều gì đang xảy ra với ngành giáo dục nữa! từ chất lượng của bộ sách giáo khoa, tình trạng lạm thu cho đến bữa ăn của các con đang bị xà xẻo, đưa lên bàn cân về “giá dịch vụ”. Là một độc giả, tôi thực sự không cầm được nước mắt khi chứng kiến bữa ăn trị giá chỉ khoảng vài ngàn đồng của các con! Tôi không hiểu họ có phải là con người không khi làm vậy với các con, một thế hệ tương lai của đất nước!”, bạn đọc Duy Hải thốt lên đầy bức xúc!

“Vô cảm, vô lương tâm, vô đạo đức và tham nhũng vặt”

Trả lời PV Dân trí, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội bức xúc cho rằng, việc ăn bớt khẩu phần của học sinh không phải bây giờ mới được đặt ra.

Nhiều sự việc đau lòng, nhiều phụ huynh đã bật khóc khi nhìn vào khẩu phần ăn của con và phải phản ánh đến cơ quan công luận. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn “nhắm mắt làm ngơ” vấn đề thực phẩm.

“Hiện có một số trường tự tổ chức bếp ăn nhưng một số trường thuê các công ty bên ngoài cung cấp suất ăn. Tôi cho rằng, cần phân định rạch ròi việc công ty ăn bớt hay nhà trường chủ trương ăn bớt.

Tuy nhiên, cho dù là ai, việc ăn bớt khẩu phần của trẻ em vừa vi phạm pháp luật, đó còn là tham ô, ăn cắp”, TS Tùng Lâm nói.

Bạn đọc Tuấn Hoàng: “Thật không hiểu nổi, cái vấn đề cắt xén, ăn bớt, tiêu cực luôn luôn xảy ra như nó là 1 thói quen vậy. Các con là những mầm sống mới của đất nước, là tương lai của đất nước mà cũng bị cắt xén đến từng bữa ăn như thế. Như này khác gì đang hủy hoại chính tương lai của chúng ta. Và người đứng đầu luôn chỉ nhận trách nhiệm và xin lỗi. Tại sao những điều đấy các vị có thể làm trước khi sự việc được phanh phui ra mà lại không làm?”.

Lo ngại vấn đề thực phẩm bẩn trong nhà trường sẽ là nguyên nhân bệnh tật của một thế hệ mầm non đất nước, nhiều bạn đọc cho rằng: “Cần phải quy rõ trách nhiệm và xử lý, tôi nghĩ thậm chí có cả 1 đường dây (quy trình đàng hoàng) thì mới có chuyện như đồ ăn không đạt chất lượng và lèo tèo như vậy. Tôi nghĩ rất nhiều trường học ăn bán trú khác cũng như vậy mà phụ huynh học sinh lại không biết và không kiểm soát được. Ăn thế này bảo sao các cháu bị ngộ độc, rồi lâu dài còn có thể gây ra các bệnh khác nữa”, bạn đọc Minh Tuấn.

Đồng quan điểm, bạn đọc Xuan Truong: “Ăn đồ hỏng bảo sao ung thư giờ nhiều và ngày càng trẻ hóa, giò lụa bình thường 160.000/kg mà đây 65.000 thì chỉ có ăn thịt thối với phụ gia độc hại, con người vô lương tâm, ăn thì cũng vừa thôi ăn hết cả da lẫn thịt lẫn xương hỏi đạo đức ở đâu?”;

“Ăn 1,2 bữa không sao nhưng ăn hàng mấy năm trời mà nhà trường làm ăn như này là giết dần giết mòn thế hệ của tương lai đấy”, bạn đọc Đỗ Anh Tuấn

Bạn đọc Hải Hà:“Xin hỏi các vị hiệu trưởng ở đây rằng: lương tâm của 1 con người ở đâu khi các vị cho các con trẻ ăn các loại thực phẩm rẻ tiền, thối hỏng? lương tâm của một người làm giáo dục, một người quản lý ở đâu khi các vị chỉ biết nói lời xin lỗi khi sự việc bị lộ? nếu không bị lộ thì các vị vẫn nhẫn tâm để con trẻ ăn đồ bỏ đi như vậy sao?Lương tâm của 1 con người còn không có mà lại đứng ở vai trò quản lý ngành giáo dục, thì thật là tai ương cho biết bao thế hệ!”

“Bữa ăn với giá như thế thì ăn sẽ đủ chất và ngon. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra khi hiệu trưởng có Tâm lo cho các em. Tâm ở đây là gì: đừng có ăn bớt, ăn chặn bằng cách cấu kết với nhà cung cấp thực phẩm và phải giám sát, có thực đơn hàng ngày rõ ràng. Bữa ăn các cháu mà bị bên này bớt 1 phần, hiệu trưởng ngắt 1 khúc thì chỉ còn cơm trộn canh vs trứng thôi”, bạn đọc Mai Anh Bảo.

“Vấn đề nghiêm trọng như vậy mà Hiệu trưởng lại chỉ viết thư ngỏ dán ở bảng tin. Tại sao không dám đối diện nói chuyện trực tiếp với phụ huynh. Nếu đủ dũng cảm bà Hiệu trưởng hãy xin từ chức!”, bạn đọc Fukoku Tien.

Nhiều bạn đọc đưa ra một số giải pháp như phụ huynh nấu cơm rồi cho con mang đi học, lại vấp phải ý kiến trái chiều rằng: “việc này chỉ có thể thực hiện ở các trường dân lập, còn nếu học ở công lập thì ngay lập tức con bạn sẽ bị chuyển sang một lớp khác. Nếu con bạn mang cơm đi thì các cô…ăn gì?”.

Ý kiến được 100% bạn đọc đồng tình, rằng: “Nếu làm nhà giáo mà lại thiếu trách nhiệm, để xảy ra vụ việc trên thì nên tự viết đơn xin nghỉ”,bạn đọc Xuan Long Nguyen; “Hãy xin lỗi bằng hành động đó là từ bỏ vị trí quản lý. Các vị không còn đủ uy tín, năng lực và tư cách để là quản lí GD”;

“Không có con học trường này nhưng tôi đã đọc rất nhiều báo nói về vụ này, hiệu trưởng gì mà lấp liếm sự việc, hiệu trưởng gì mà vòng vo, còn to tiếng thách thức phụ huynh không cho con học được thì chuyển trường. Nếu không có vụ phụ huynh tập trung suốt đêm ở cổng trường đêm 02/11/2020 thì cô ta có xin lỗi hay không? Nếu môi trường giáo dục còn những hiệu trưởng như vậy thì ảnh hưởng vô cùng thế hệ tương lai. Mong báo chí giúp sức cho phụ huynh để làm rõ ngọn ngành của vấn đề, đọc báo là thấy vụ này phụ huynh đã cảnh báo ý kiến nhưng cô này không tiếp thu”, bạn đọc Fortuner.

Tại sao ngành giáo dục không đưa ra một tiêu chuẩn chung về chất lượng và thực đơn cho từng bữa ăn của học sinh – một ý kiến rất xác đáng của bạn đọc Tuệ Linh: “không chỉ chất lượng thực phẩm mà còn thành phần dinh dưỡng. Ngành giáo dục vì sao không có tiêu chuẩn? không có thực đơn đảm bảo dinh dưỡng cho các con? Nhà trường thu bao nhiêu tiền thì phụ huynh đóng bấy nhiêu không có lý do mà mất đi cả chất và lượng của bữa cơm các con”.

Bạn đọc Linh Nguyen Sy đề xuất: “Đây là hiện tượng tham nhũng vặt, đại diện phụ huỵnh cần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra CA vào cuộc điều tra xử lý, nếu số tiền chiếm đoạt từ suất ăn của HS đến mức phải xử lý hình sự thì cần truy tố để làm lành mạnh môi trường chăm sóc trẻ”.

Nhân quyền Việt Nam

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *