Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16856

Ai thay thế Shinzo Abe? Sự suy thoái dần dần của Nhật Bản và sự lệ thuộc vào Mỹ còn kéo dài?

Ban biên tập giới thiệu bài của tác giả Andre Vltchek do FBker Ngô Mạnh Hùng dịch. Bài báo cho thấy sự “tự do” của nước Nhật trong sự “quan tâm”, “bảo vệ” của nước Mỹ.

===

Đừng đánh giá Nhật Bản của Shinzo Abe bởi những cấu trúc mới sáng bóng, như dự án Tokyo Osaka maglev sẽ sớm kết nối trung tâm công nghiệp của Nagoya với thành phố thủ đô.

Thủ tướng tại chức lâu nhất của Nhật Bản xin từ chức và cả nước Nhật dường như bị sốc. Nhưng mọi người sửng sốt chỉ đơn giản là vì giao thức bị phá vỡ (vì theo truyền thống, ngay cả khi không khỏe, ốm đau, một nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng không được từ bỏ chức vụ của mình một cách đột ngột), chứ không phải vì họ lo sợ hoặc mong đợi những biến động lớn về chính trị, kinh tế hoặc xã hội. Nhật Bản là một quốc gia của sự tiếp nối liên tục, và trong những thập kỷ qua, sự suy giảm đã diễn ra một cách dần dần, dù rất chậm.

Ở đây, không ai mong đợi một cuộc cách mạng hay sự sụp đổ của hệ thống chính trị sẽ xảy ra. Nhật Bản vốn là một quốc gia ổn định nhất và dễ dự đoán nhất trên trái đất. Nhật là một đồng minh trung thành của phương Tây, không có chính sách đối ngoại riêng và có rất ít quan điểm riêng về thế giới. Vài thập kỷ trước, đất nước này từng nổi dậy – chống lại chủ nghĩa tư bản và sự cai trị của phương Tây – nhưng chính quyền của Koizumi và Abe đã phá vỡ xương sống của sự phản kháng đó, một cách nhẹ nhàng, bằng cách gói đất nước vào một chiếc chăn êm ái, đảm bảo một sự tồn tại mờ nhạt nhưng vẫn ấm cúng cho số đông.

Shinzo Abe hiểu Nhật Bản. Bởi đó là đất nước của anh ta, và anh ta là con trai của quê hương Nhật Bản. Anh ta cũng hiểu rõ kế hoạch và cách đối phó với Hoa Kỳ. Anh ta ủng hộ thị trường tự do hơn Trump, anh ta coi thường Triều Tiên hơn phương Tây, và anh ta “lịch sự” nhưng rõ ràng là đang dứt khoát chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc là vấn đề tâm lý rất lớn của Shinzo Abe. Đó là bởi vì, trong quá khứ, sự hợp tác của Nhật Bản với Washington “đã từng được đền đáp”, ít nhất là về chất lượng cuộc sống. Nhật Bản từng là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và mức sống của nước này từng cao hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây. Nhưng rồi, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Và ngay sau đó, du khách Nhật Bản đã tìm đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và từ đó bắt đầu câu chuyện đáng sợ: các thành phố và vùng nông thôn của Trung Quốc phát triển nở rộ, xe lửa cao tốc của Trung Quốc rõ ràng chạy nhanh hơn hệ thống shinkansen, các bảo tàng và nhà hát opera của Trung Quốc tiện nghi hơn ở Nhật Bản, và các không gian công cộng cùng các dự án xã hội của Trung Quốc đang vượt trội so với các công trình ở Nhật Bản đang ngày càng tư bản. Mức độ nghèo đói ở Trung Quốc đang giảm nhanh chóng, trong khi ở Nhật Bản, mức độ đó lại đang tăng lên.

Điều này đã không được nhìn nhận đúng như những gì đang diễn ra, người Nhật đã cảm thán! Tâm lý chống Trung Quốc đã bùng lên, và Shinzo Abe đã không làm gì để ngăn cản họ, mà làm ngược lại. Thay vì cải cách và đầu tư vào người dân, hai quốc gia tư bản hùng mạnh nhất trên trái đất – Hoa Kỳ dưới thời Trump và Nhật Bản dưới thời Abe – lại quay lưng lại với Trung Quốc bằng vũ lực và sự bất chấp mọi đạo lý đến mức không thể tưởng tượng được.

Dưới thời Abe, Nhật Bản cũng bắt đầu tụt hậu so với đối thủ truyền kiếp là Hàn Quốc. Và kẻ thù truyền kiếp kinh khủng hơn của họ, đất nước mà Nhật Bản đã góp phần huỷ diệt sau Thế chiến thứ hai, CHDCND Triều Tiên, vẫn vững vàng ở đó, bất bại và hùng mạnh.

Thay vì đặt ra ước mơ trở lại cho Nhật Bản, Shinzo Abe đã bắt đầu kiểm duyệt quá khứ của đất nước mình, cũng như các phương tiện truyền thông vốn đã phục tùng sự cai trị.

Người bạn tốt của tôi, David McNeill, một giáo sư người Ailen tại Đại học Sofia danh tiếng ở Tokyo, người cũng từng làm việc cho NHK, đài truyền hình quốc gia của Nhật Bản, đã từng giải thích với tôi: “Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản có quá nhiều sự tự kiểm duyệt. Và chính phủ đã ban hành các “hướng dẫn”, ví dụ như những nội dung trong tài liệu gọi là “Sách cam” quy định cách viết về bất cứ thứ gì có thể lan truyền, bất cứ thứ gì liên quan đến lịch sử. Luôn phải có hướng dẫn cho người viết và người dịch. Ví dụ: không bao giờ được sử dụng những từ như “Thảm sát Nam Kinh”, trừ khi trích dẫn từ các chuyên gia phương Tây. Hoặc những từ như “Đền Yasukuni” – bạn không bao giờ được phép sử dụng từ ngữ ‘gây tranh cãi’ liên quan đến nó. Cũng như quy định không được viết về vấn đề nô lệ tình dục trong Thế chiến II.

Một thực tế nổi tiếng là các cơ quan truyền thông đại chúng của Nhật Bản sẽ không đưa ra quan điểm về bất kỳ sự kiện thế giới lớn nào liên quan đến Nga, Trung Quốc hay Iran, cho đến khi các ấn phẩm hoặc mạng phương Tây như BBC hoặc CNN đưa ra “hướng dẫn”. Trong khi đó, tôi từng làm việc cho một trong những tờ báo lớn của Nhật Bản, khi đưa tin về những chủ đề quốc tế “nhạy cảm” chúng tôi luôn phải xin phép Bộ Ngoại giao để có thể đăng bài.

Ông Taira Takemoto, một kỹ sư xây dựng ở Osaka đã viết đóng góp cho bài này: “Nói thẳng ra, Abe đã dành rất nhiều nỗ lực để bán Nhật Bản cho Mỹ, cả với Tổng thống Obama và Tổng thống Trump. Có rất nhiều vấn đề đang chờ giải quyết từ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960 đến vấn đề nhiều căn cứ của Mỹ đang làm gia tăng sự thù địch của Nhật Bản và Mỹ đối với Trung Quốc, cũng như CHDCND Triều Tiên. Trên trường quốc tế, tôi nghĩ ông ấy đã khuất phục, dâng Nhật Bản vào tay của phương Tây, cụ thể là Mỹ”.

Tuy nhiên, hãy quên Tokyo một thời gian. Để hiểu về Nhật Bản ngày nay, hãy đến thăm vùng trung tâm của nó, thành thị và nông thôn, và bạn sẽ hiểu sự thối nát dưới thời Abe sâu sắc như thế nào. Các thành phố bên ngoài như Suzuka hay Yokkaichi ở tỉnh Mie, những cánh đồng lúa và rừng tre rải rác với những xác xe ô tô mục nát. Nhiều ngôi nhà đang trong tình trạng hư hỏng. Các tuyến xe buýt bị bỏ rơi. Các con đường chính được sắp xếp với các cửa hàng bán đồ ăn nhanh không lành mạnh, không khác gì những con đường ở ngoại ô Hoa Kỳ. Nhiều sân chơi công cộng cho trẻ em không nguyên vẹn hoặc không còn nữa.

Một đời sống văn hoá đã từng huy hoàng đang suy tàn, thậm chí trước cả đại dịch Covid-19. Các trung tâm văn hóa khổng lồ, từng là niềm tự hào của đất nước, hầu hết đều trống rỗng, cỏ mọc cao giữa các tòa nhà. Những chiếc lều màu xanh của người vô gia cư được dựng ở hầu hết các công viên công cộng của Tokyo, Nagoya, Osaka và các thành phố lớn khác.

Rất khó để có được sự lạc quan.

Cô Mikiko Aoki, một nhân viên xã hội, sống ở Nagoya, có những cảm xúc lẫn lộn về Shinzo Abe: “Tin tức về việc từ chức của Thủ tướng khiến tất cả chúng tôi ngạc nhiên vì chúng tôi không muốn thấy nó đến. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quen với anh ấy. Tôi cho rằng anh ấy đã chủ trì một số công việc quan trọng trong nước, từ việc khắc phục hậu quả trận động đất lớn năm 2011 đến việc hoãn đăng cai Thế vận hội Tokyo. Nhưng tình hình xã hội ở Nhật Bản cũng không khá hơn trước. Trên thực tế, tôi nghĩ còn tệ hơn, với dân số già, ít đầu tư của nhà nước vào các dịch vụ công và hỗ trợ cho các gia đình khó khăn. Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ khác biệt nào với một thủ tướng mới. Rốt cuộc, người đó sẽ đến từ cùng một bữa tiệc! Không có gì thay đổi”.

Geoffrey Gunn, một nhà sử học hàng đầu của Úc và là Giáo sư danh dự tại Đại học Nagasaki, lo ngại về vai trò ngày càng tích cực của Nhật Bản trong khu vực: “Tất cả đã thay đổi khi chính phủ Abe quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hiện trạng đã thay đổi bởi vì hiện nay Nhật Bản tuyên bố rằng thực sự không có tranh chấp đối với những hòn đảo được coi là đang tranh chấp này. Do đó, chính quyền Tokyo đã khiến Trung Quốc tức giận. Trung Quốc phẫn nộ với sự thay đổi hiện trạng này”.

***

Điều gì tiếp theo sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc ai là người tiếp theo. Thật không may, ở Nhật Bản, không có kỳ vọng hoặc hy vọng vào những thay đổi chính trị cần thiết. Các gia tộc chính trị chia cắt lãnh thổ, điều bất ngờ rất khó xảy ra. Đảng Cộng sản Nhật Bản có nhiều đảng viên, nhưng luôn yếu thế khi bầu cử.

Nhật Bản sẽ tiếp tục suy thoái, nhưng theo cách cực kỳ chậm rãi, thậm chí có thể nói là “êm ái”. Mức sống vẫn rất cao. Dân số già sẽ tiếp tục được hưởng lương hưu và phúc lợi hậu hĩnh nhưng các thế hệ trẻ đã bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng. Thời đại của việc làm suốt đời đã qua. Hiện nay, việc làm bán thời gian không có bảo hiểm là tương lai duy nhất cho hàng triệu sinh viên trẻ mới tốt nghiệp.

Các cuộc đối đầu với Trung Quốc, Triều Tiên và ở một mức độ nào đó với Nga sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới, hoặc ít nhất là trong thời gian tới, khi Hoa Kỳ yêu cầu và châm ngòi cho Nhật Bản.

Yoshihide Suga, 71 tuổi và thường được mô tả là “trung úy” của ông Abe (ý nói phụ tá), được cho là sẽ tham gia cuộc đua cho sự đề cử của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) để thay thế Abe. Nếu anh ta chiến thắng, sẽ không có nhiều thay đổi, ngoại trừ việc anh ta có thể ít thận trọng hơn đối với Covid-19. Các đường biên giới khép kín của Nhật Bản có thể mở ra, khách du lịch nước ngoài và khách doanh nhân có thể được chào đón, một viễn cảnh không giống như ở một số nước châu Âu. Nghĩa là cũng có một chút thay đổi.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, David McNeill đã đưa ra một phán xét không mấy hay ho về thời đại của Abe: “Abe có thể sẽ được coi là một người quan tâm đến chính trị hơn là một người ‘bảo thủ cấp tiến’ như ông ấy tự đặt ra cho mình. Việc ông ấy không viết lại bản hiến pháp bị căm ghét có nghĩa là ông ấy có thể sẽ coi 7 năm rưỡi qua là một thất bại”. Còn về Suga, David trả lời không do dự: “Về điều này, tôi đồng ý với Koichi Nakano, người đã viết cho New York Times rằng: Suga sẽ cố gắng tiếp tục nền chính trị Abe mà không có Abe, giống như John Major sau Thatcher”.

Đối với tôi, việc bị nhốt ở Nhật Bản, một trong những nơi đi về của tôi, trong suốt sáu tháng, là một bi kịch. Thủ tướng đến và đi. Một ngày nào đó, các đội quân chiếm đóng cũng sẽ biến mất. Xác ô tô thối rữa sẽ phân hủy hoàn toàn. Nhưng chiều sâu của Nhật Bản, cũng như vẻ đẹp của nó, sẽ không bao giờ biến mất. Những người Nhật thất vọng đang buồn bã về đất nước của mình, nhưng hãy ở lại với thực tế đó.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *