Cứ đến dịp 30/4 hàng năm, đi cùng với luận điệu xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn”, “miền bắc cưỡng chiếm miền nam”, là “số phận bi thương của người ra đi, số phận bất hạnh của người ở lại (!)”, là “nỗi trăn trở hối hận của “người lính Việt Nam Cộng hòa” không “bảo vệ được quê hương” (!)”, rồi là “nhân dân chưa được làm chủ đất nước (!)”… là những luận điệu mang đầy sự hằn học, hận thù rằng hòa hợp và hòa giải ở Việt Nam là “hòa hợp kiểu giả cầy”, nào là “hòa hợp, hòa giải là trò lừa bịp của cộng sản”, nếu muốn hòa hợp hòa giải thực sự thì Đảng phải trả lại quyền lực, phải đem lại dân chủ tự do thực sự (ví dụ như chấp nhận đa nguyên đa đảng đối lập)…
Thực sự những kẻ đưa ra những lập luận này muốn hòa hợp hòa giải dân tộc hay không hay thực chất chỉ muốn lợi dụng chủ trương quan trọng này để xuyên tạc, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam? Chúng tôi xin trích lại một vài ý kiến được Tuần báo Văn nghệ số 437 nêu ra từ nhiều năm trước vẫn nguyên vẹn giá trị vạch trần bản chất của những luận điệu xuyên tạc, chống phá này.
Hòa hiếu – bản chất của dân tộc Việt Nam
Nhìn lại lịch sử, là một dân tộc trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh, thế nhưng bản chất hòa hiếu đã ăn sâu vào tâm hồn và tính cách của dân tộc Việt. Khi đất nước có chiến tranh, đến những nhà sư cũng cởi cà sa khoác chiến bào ra trận. Khi đất nước sạch bóng quân thù, họ lại về tụng kinh, gõ mõ với câu kinh kệ sớm khuya. Có lẽ vì vậy mà gươm thần được trả để chúng ta hôm nay có địa danh hồ Hoàn Kiếm. Một dân tộc mà khi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi).
Trong lịch sử, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại phong kiến xưa không những ban hành những chính sách để ổn định, cấu kết lòng dân, hòa hợp dân tộc mà còn thể hiện bao dung, hòa hiếu với cả kẻ thù. Trên 7 thế kỷ trước, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên xâm lược, bắt được hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên để xin được làm quan (ta có thể gọi đó là Việt gian phản quốc), Thượng hoàng và nhà vua đã có hành động “Vô tiền, khoáng hậu”: Ra lệnh đốt hết các bức thư ấy và không truy cứu một ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc 1”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, vị thủ lĩnh của nghĩa quân – Lê Lợi luôn chăm chú vỗ về, và rất lưu ý tình đoàn kết quân dân. Đặc biệt, ông luôn tạo điều kiện để những kẻ lầm đường lạc lối “đái công, chuộc tội”: “Đối với những người lầm đường theo giặc, nếu hối cải trở về với Tổ quốc thì tha thứ cho đái tội lập công 2”. Khi có người khuyên nhà vua hãy giết hết quân Minh đã đầu hàng, vua Lê Thái Tổ đã nói những lời vô cùng nhân đức: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử xanh, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư! 3”.
Sau khi chiến thắng quân Thanh xâm lược, không những chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và tàn binh quân Thanh, vua Quang Trung đã sai thu nhặt xác quân Thanh trên các chiến trường chôn cất và lập đàn cúng tế. Bài văn tế của nhà vua trước nấm mồ quân xâm lược đã biểu thị tấm lòng khoan dung, độ lượng của người chiến thắng: “Nay ta: Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi/Bảo lập đàn bên sông cúng tế/Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc/Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô/Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời Nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí/Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành/Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống 4”.
Hòa hợp dân tộc sau giải phóng miền Nam – tiếp nối truyền thống ông cha
Thử nhìn đông tây kim cổ, khi cách mạng Pháp nổ ra (1789 – 1799), vua Louis XVI bị giết. Cách mạng Nga, Nga Hoàng và cả gia đình đều bị giết,… và nhiều, nhiều cuộc cách mạng khác mà kết cục cuối cùng thường là đầu rơi máu chảy. Thế nhưng, Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị đã được mời làm cố vấn tối cao. Rất nhiều bậc quan to của triều đình phong kiến đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra cùng chung gánh việc nước. Đó là những Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Đặng Văn Hướng, Vi Văn Định, Phạm Khắc Hòe… Tiếp nối truyền thống này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều có những chính sách nhân đạo với tù binh. Đặc biệt, tối 2-5-1975, hai ngày sau ngày trọng đại 30-4, trong buổi lễ trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc lập, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta 5”. Đáp lời, người từng đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng hòa – ông Dương Văn Minh cũng chân tình: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước… 6”. Trong hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hòa đàm Paris đã kể một câu chuyện xảy ra ở quê bà – huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam – về một đám tang của một người nguyên là sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đi định cư ở Mỹ 20 năm. Theo nguyện vọng của ông, thi hài ông được đưa từ Mỹ về Việt Nam mai táng. Điều hết sức cảm động, theo bà “người đọc điếu văn là con trai một liệt sĩ cách mạng, cháu một bà mẹ anh hùng 7”.
Hòa hợp dân tộc – chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam
“Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền” (Ba mươi năm đời ta có Đảng – Tố Hữu) không chỉ chia đôi đất nước mà còn chia cắt cả lòng người, len lỏi vào từng gia đình của người dân Việt. Chúng ta không phủ nhận do điều kiện khách quan lịch sử, có lúc hòa hợp và hòa giải vẫn tiến triển chậm và gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, có lẽ thấu hiểu nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra nên ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc.
Nghị quyết 36 – NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc 8”. Nghị quyết số 23 – NQ/TW ngày 16-6-2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc nhấn mạnh: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai 9”. Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10”. Tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân quê hương 2015 – Tổ quốc vinh quang” năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi: “Đất nước ta đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù của chúng ta. Vì vậy, không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam 11”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tâm tình: “Nếu chúng ta không chủ động xóa bỏ những hằn học trong suy nghĩ thì sẽ không bao giờ hàn gắn vết thương lòng sau chiến tranh để lại. Đất nước có phát triển về kinh tế nhưng suy nghĩ của người dân còn hận thù từ đời này sang đời khác thì chúng ta khó có đại đoàn kết dân tộc, không có sức mạnh dân tộc… Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?… Tư tưởng hận thù chỉ đem lại sự chia rẽ nhân dân, yếu kém cho đất nước 12”. Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam (…) ủng hộ và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tôn trọng pháp luật và hội nhập vào xã hội nước sở tại, nơi bà con sinh sống (…) Phối hợp chặt chẽ với các nước có người Việt Nam sinh sống nhằm hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú… 13”. Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước 14”. Gần đây nhất, ngày 12 tháng 11 năm 2016, phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 do Bộ Ngoại giao và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với quê hương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ và mong bà con kiều bào ta thành đạt ở nước sở tại, phát huy truyền thống dân tộc, cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; gìn giữ tiếng nói, chữ viết, cốt cách cao đẹp của con dân đất Việt và phát huy hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, ứng xử văn minh, đóng góp vào tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời hướng về quê hương Tổ quốc bằng những hành động thiết thực, phù hợp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các thành phố lớn, cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ánh, đề xuất, khuyến nghị và địa phương có tiếp thu, có phản hồi; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… 15” v.v…
Những chính sách đi vào cuộc sống
Cùng với những chủ trương, chính sách nhất quán về hòa hợp dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực để những chủ trương, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng những việc làm hết sức cụ thể và thiết thực. Ngay từ khi Nghị quyết 36 mới được ban hành, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ, ngành, địa phương khác đã đề ra Chương trình hành động của mình để triển khai, khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống và tạo nên xung lực quan trọng trong việc gắn kết hoạt động của các cơ quan chức năng với công tác vận động kiều bào như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ban hành kèm theo Quyết định số 110/2004/QĐ – TTg ngày 23-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ với rất nhiều nội dung chính từ công tác thông tin, tuyên truyền; các biện pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước; phát huy tiềm năng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài trong hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh… Bộ Ngoại giao cũng ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ban hành kèm theo Quyết định số 1912/QĐ ngày 1 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài (tháng 9-2007); Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể giữ quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác (tháng 11-2008); Luật sửa đổi điều 121 Luật Đất đai và điều 126 Luật Nhà ở mở rộng thêm đối tượng và quyền cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước (tháng 6-2009)…
Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết kiều bào ở trong và ngoài nước ngày càng có nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn như tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước dịp Quốc khánh, Quốc giỗ Vua Hùng, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào… Nổi bật trong thời gian gần đây là các chương trình Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu… Trong tổng số 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao, hàng năm có gần 300 lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tích cực đóng vai trò làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế giữa các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Có hàng ngàn doanh nghiệp của Việt kiều đang đầu tư về Việt Nam với số vốn hàng tỉ USD, “có trên 3.600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của kiều bào khoảng 8,6 tỉ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm (…) đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất; đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước 16”. Trong những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi về trong nước hàng trăm tỉ USD, riêng năm 2015, lượng kiều hối gửi về rất cao với khoảng 12,5 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2014 và đưa Việt Nam thành một trong 15 quốc gia trên thế giới nhận kiều hối nhiều nhất, đứng thứ 11. Năm 2016, số lượng gửi về có ít hơn nhưng vẫn là nguồn lực lớn. Không chỉ đóng góp kiều hối, người Việt Nam ở nước ngoài còn tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước, vận động các cá nhân, tổ chức của nước sở tại hỗ trợ cho các dự án xã hội ở Việt
Nam như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục… Đây thực sự là nguồn lực quý báu góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, được Đảng và Nhà nước trân trọng.
Người Việt Nam có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”. Trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về hòa hợp và hòa giải ở Việt Nam, câu nói này càng chính xác hơn bao giờ hết. Có lẽ vì vậy mà những người “chống cộng” nhất cũng đã từng phải thay đổi. Lúc sinh tiền, ông Nguyễn Cao Kỳ – nguyên Phó Tổng thống chế độ Sài Gòn nổi tiếng là người “chống cộng” kịch liệt. Thế nhưng sau khi về quê hương, chứng kiến sự đổi thay của đất nước và những chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam ông đã phải công nhận rằng những người Cộng sản Việt Nam hiện đang làm rất tốt và làm tốt hơn các ông. Ông Nguyễn Cao Kỳ đã thẳng thắn bộc bạch: “Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều 17”. Và: “Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người chưa hiểu: đã đến lúc phải hòa hợp, hòa giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người – một bộ phận rất nhỏ – cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phải nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi đất nước. Thế thôi 18”. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng mong muốn sẽ làm sứ giả để hòa giải và đoàn kết: “… Tôi muốn làm sứ giả hòa giải và kết hợp đại đoàn kết dân tộc… Những ai muốn quay về dĩ vãng, thật là không tưởng. Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của mọi công dân Việt Nam trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai… 19”. Một sĩ quan của chế độ Sài Gòn là ông Nguyễn Phương Hùng thường xuyên về Việt Nam đã bộc bạch: “Tôi thấy năm, bảy năm nữa Việt Nam sẽ xán lạn, rực rỡ. Tôi mong những người chống đối sẽ về thăm lại đất nước trước khi họ thật sự nằm xuống ở hải ngoại. Về một lần rồi họ sẽ đồng ý với việc làm của tôi – yêu nước và yêu quê hương 20”. Có thể nhiều người không biết Le Nguyen và những người đang kêu gào chống phá kia là ai, nhưng chắc chắn sẽ biết rất rõ ông Nguyễn Cao Kỳ – tất nhiên qua tư liệu, bởi ông rất nổi tiếng. Khi Le Nguyen và một số kẻ khác kêu gào về sự xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới là điều kiện tiên quyết để hòa hợp và hòa giải dân tộc thì ông Nguyễn Cao Kỳ khẳng định: “Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ… Tôi cho rằng, thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là số người Việt ở Mỹ, ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay 21”.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã làm hết sức với tinh thần hòa hợp và hòa giải để mọi người dân Việt ở trong và ngoài nước cùng nhau “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Tất cả những kẻ chống lại xu thế tốt đẹp này chắc chắn sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Và, tất cả những luận điệu hằn học và chống đối này chỉ như những viên sỏi nhỏ ném vào biển nước bao la.
===
Ngày hôm nay, sau 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên không gian mạng vẫn có hàng trăm bài viết được biên tập công phu như “Tháng Tư đen: những nỗi niềm” của tổ chức khủng bố Việt tân, “Những mất mát khi bị giải phóng” của băng nhóm Thông luận hay trong nước có những kẻ “thượng đạp gia tộc” như Nguyễn Lân Thắng xuyên tạc về cái gọi là “sụp đổ niềm tin” nhằm hạ thấp, xuyên tạc sự kiện lịch sử này và phủ nhận ý nghĩa, bản chất chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mục tiêu của những kẻ này đã quá rõ ràng, chúng triệt để khai thác mọi sự kiện, vụ việc, vấn đề để xuyên tạc, chống phá nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN và kích động dân chúng lật đổ chế độ chính trị hiện nay là chủ yếu.
Khánh Chi