Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
53459

Mạng xã hội và quyền con người Kỳ 2: Xác lập chủ quyền trên không gian mạng

Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông mới ra đời đã ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, ảnh hưởng của thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội đối với quyền con người đang ngày càng đậm nét. Vài năm gần đây, việc vi phạm quyền con người trên mạng xã hội đã và đang trở nên phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi nghiên cứu một số vấn đề về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc đảm bảo quyền con người trong bối cảnh hiện nay.

Sự phát triển mạnh mẽ

Ở nước ta, từ trước khi giành được độc lập, quyền con người đã được coi trọng. Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người gắn liền với độc lập dân tộc. Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Việc nâng cao nhận thức cho người dân về quyền con người, nhất là trên không gian mạng cũng đang được chú trọng ở Việt Nam

Các hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều nhất quán quy định các quyền con người và quyền công dân.  Hiến pháp năm 2013 dành một chương (Chương II) quy định đầy đủ về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Những quy định về quyền con người tại chương này hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế, trong đó có những quyền được xem là “nhạy cảm” cũng đã được đưa vào văn kiện này.

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) và nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, Quốc hội Việt Nam vừa qua đã sửa đổi và xây dựng nhiều đạo luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013), Luật An ninh mạng (năm 2018)… Các quy định của những bộ luật trên đều nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng và quyền con người.

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức tham gia mạng Internet toàn cầu,  đánh dấu mốc quan trọng đối với việc phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là báo chí và truyền thông. Trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã có rất nhiều các chính sách khuyến khích người dân tham gia và sử dụng Internet. Với sự tham gia của Internet, Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng.

Trong bối cảnh Internet, mạng xã hội hiện nay, việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người cũng có những khác biệt nhất định so với các giai đoạn lịch sử đã qua. Nội dung quyền con người ngày nay mở rộng hơn trước, bao gồm quyền sử dụng Internet, mạng xã hội. Tất nhiên, kèm theo với quyền đó, người sử dụng cũng phải có nghĩa vụ tương ứng. Nếu như trước đây, quyền tự do ngôn luận, báo chí chỉ đề cập tới quyền tiếp cận với báo in, báo nói, báo hình, thì ngày nay quyền này còn bao gồm cả quyền tiếp cận, sử dụng Internet, mạng xã hội. Ngày nay, thế giới bắt đầu nhìn nhận về các khái niệm xã hội thông tin như là một ánh xạ của xã hội thực trên thế giới ảo. Qua đó về mặt bản chất, Internet đã tạo nên một xã hội trên không gian ảo, ở đó con người có thể tương tác, giao tiếp, chia sẻ thông tin hàng ngày với nhau. Giống như xã hội thực, xã hội trên thế giới ảo cũng có những mặt đối lập, có mặt tích cực và có mặt tiêu cực. Tuy nhiên, nếu như các chính phủ trên thế giới đã quen thuộc với việc tổ chức, quản lý nhà nước trong thế giới thực thì hiện tại ít nhiều đang gặp phải các khó khăn, thách thức đối với việc quản lý thông tin và xã hội ảo trên Internet. Bên cạnh các vấn đề về quyền con người đối với cá nhân thì thực thi quyền con người đối với chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng đang được quan tâm nghiên cứu. Các đối tượng thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước cũng dựa trên các chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để thực hiện các tuyến bài nhằm xuyên tạc, bôi nhọ và cung cấp các thông tin thất thiệt, gây tổn hại cho an ninh quốc gia. Trong đó, không gian mạng (cyberspaces) là một không gian ảo, nơi các máy tính có thể trao đổi thông tin với nhau. Một cách hiểu khác, không gian mạng là một mạng lưới toàn cầu của các hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau dựa trên các kỹ thuật và công nghệ kết nối, trên đó các máy tính có thể chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau. Chủ quyền không gian mạng là các thuộc tính chính trị – pháp lý không thể tách rời của quốc gia với không gian mạng. Chủ quyền này bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (lãnh thổ ảo) và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Xác lập chủ quyền trên không gian mạng

Đối với bất cứ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trên thế giới có chủ quyền đều xác lập dựa trên các yếu tố: lãnh thổ, công dân, tài nguyên và luật pháp. Trong đó, lãnh thổ là các vấn đề liên quan đến đất đai, biên giới, biển và hải đảo (nếu có). Quyền liên quan đến lãnh thổ tập trung vào quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với quốc gia đó. Bên cạnh đó, công dân đóng một vai trò quan trọng, công dân hoạt động trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ đều được định danh và có các quyền liên quan đến thân nhân hay sở hữu. Bên cạnh đó, các tài nguyên thuộc về quốc gia cũng cần được bảo vệ. Hơn tất cả, các cơ chế, quy định luật pháp của mỗi quốc gia cũng được khẳng định. Đối với không gian mạng, chủ quyền trước tiên được xác lập thông qua các quy định và thông lệ quốc tế, các quy định của các hiệp ước về thông tin và chủ quyền trên Internet như WSIS – 03/GENEVA/DOC/4-C đã chỉ rõ “Quyền quyết sách với những vấn đề chính sách công liên quan tới mạng Internet là chủ quyền của các nước. Đối với vấn đề chính sách công quốc tế liên quan tới Internet, các nước có quyền lợi đồng thời phải có trách nhiệm”. Có thể thấy rằng, quyền quyết sách đối với nhà nước Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến Internet và thông tin trên Internet là tất yếu. Các vấn đề của chủ quyền thông tin và không gian ảo có thể được xác lập như dưới đây.

Thứ nhất, các hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị. Đối với một quốc gia, các hệ thống thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quốc gia được coi như là xương sống, là bộ khung của toàn bộ hoạt động của các hệ thống mạng xã hội. Các hệ thống phần mềm và hạ tầng có thể được coi như là lãnh thổ dưới góc nhìn trên không gian ảo. Vấn đề chủ quyền ở đây có thể hiểu là quá trình đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động của các hệ thống đó.

Thứ hai, chủ thể của các hoạt động trên mạng. Ngày nay, các dịch vụ dựa trên nền tảng Internet ra đời đã xóa nhòa khoảng cách vật lý, không gian và thời gian. Chủ thể hoạt động trên Internet (hay còn gọi là người dùng) có thể được hiểu như là các công dân – dân số dưới góc nhìn trên không gian ảo. Một trong các vấn đề của sự phát triển và ứng dụng các công nghệ – kỹ thuật truyền thông mới là sự thay đổi nhanh chóng của truyền thông xã hội, theo đó truyền thông xã hội đang được sử dụng phổ biến như là một phương tiện hiệu quả trong công tác truyền thông. Một thực tế mà các đơn vị truyền thông phải đối mặt là các rủi ro của an ninh truyền thông, khủng hoảng truyền thông. Một ví dụ với khoảng 2.3 tỷ tài khoản sử dụng, facebook đã và đang trở thành một đế chế toàn cầu về thông tin và dữ liệu. Thực tế cho thấy rằng, ở một kỷ nguyên của công nghệ số, ai nắm được thông tin và dữ liệu thì người đó có quyền điều khiển và định hướng công chúng.

Thứ ba, dữ liệu, thông tin. Đây có thể coi như là tài nguyên của một quốc gia dưới góc nhìn trên không gian ảo. Ngày nay, dữ liệu và thông tin đang được coi là các tài nguyên quý giá, cần được bảo vệ đối với bất cứ một quốc gia nào. Một ví dụ là các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng truyền thông xã hội đang dần dần nắm quyền kiểm soát và điều khiển người dùng đi theo xu hướng do chính các đơn vị đó tạo ra.

Thứ tư, quy tắc – quy định xử lý và truyền dữ liệu, đây có thể coi như là các điều kiện về luật pháp, pháp lý.

Trong bối cảnh đó, một lớp công chúng mới được hình thành và ra đời trên môi trường số đã từng bước làm thay đổi diện mạo về khái niệm của công chúng, độc giả truyền thống trước đó. Thay vì công chúng tiếp cận với các tờ báo in truyền thống, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy thì công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR), hình thành “báo nhúng”- công chúng sử dụng các thiết bị di động thông minh (điện thoại thông minh, Ipad, Iphone…) hình thành nên một loại hình sản phẩm báo chí truyền thông mới. Với “báo nhúng”, độc giả sẽ được tiếp nhận thông tin không chỉ qua thị giác và thính giác như các sản phẩm báo chí truyền thống, mà còn bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình trong một không gian đa chiều như đang được tham gia, chứng kiến tại hiện trường sự việc. Các sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động đã diễn ra được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ không dây 3G, 4G, 5G phát triển, song song với đó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Đồng thời, cách mạng công nghiệp 4.0 làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa mới làm thay đổi các tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí và các sản phẩm truyền thông. Điều này buộc các cơ quan báo chí truyền thông phải thay đổi phương thức và quy trình sản xuất của mình; sản phẩm báo chí truyền thông sẽ phải thay đổi từ báo in, báo hình thuần túy sang các loại hình sản phẩm đa phương tiện; một lớp công chúng mới, tương thích của thời kỳ truyền thông số, “báo nhúng” sẽ được hình thành, tiếp nhận thông tin thông qua việc sử dụng các thiết bị di động thông minh. Trong điều kiện đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều với các sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động đã diễn ra được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Thế hệ công chúng hiện nay đòi hỏi các sản phẩm báo chí – truyền thông phải nhanh – mạnh – phù hợp thời điểm. Theo đó, những sản phẩm truyền thông truyền thống dần bị thay thế bằng các sản phẩm mới theo hướng tích hợp được nhiều chức năng để có thể tác động tối đa đến các cơ quan cảm giác của công chúng [7]. Chính vì vậy, có một số lượng không nhỏ các “nhà báo công dân” đã dùng Internet, mạng xã hội như một công cụ để vi phạm các nguyên tắc cơ bản về quyền con người như: (1) Quyền tập thể, quyền quốc gia, dân tộc. (2) Quyền của nhóm xã hội, đặc biệt là quyền không bị phân biệt đối xử của nữ giới và quyền trẻ em. (3) Quyền của cá nhân, trong đó có quyền không bị tra tấn và bị các hình thức nhục hình, xúc phạm nhân phẩm, danh dự (kể cả trong các trường hợp vi phạm pháp luật theo Công ước Chống tra tấn).

Có thể lấy ví dụ như trong dịp Quốc hội khóa XIV thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là dự án Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, nhiều trang mạng phương Tây cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã sử dụng “hai điều luật cực kỳ mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự là Điều 88 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” và Điều 258 về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để bắt bớ và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến”. Những cuộc biểu tình, gây rối (ngày 10 và 11/6/2018) ở một số địa phương với cái cớ là phản đối dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, thực tế là đã có bàn tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài lợi dụng internet, MXH để kích động nhân dân chống lại chính quyền. Nối tiếp những hành động trên, ngày 12/7/2018, một số nghị sĩ cực hữu Hoa Kỳ (nhóm Vietnam Caucus) soạn thảo văn bản, “kêu gọi” lãnh đạo công ty Facebook và Google không chuyển văn phòng lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng ở nước ngoài về Việt Nam.

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội Việt Nam đã chỉnh sửa và xây dựng nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm những quyền trên. Trước Hiến pháp 2013, Chính phủ đã ban hành nghị định về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” (15/7/2013). Trong nghị định này, Chính phủ xác định chính sách phát triển, quản lý Internet của Nhà nước Việt Nam là: “Thúc đẩy việc sử dụng Internet…; khuyến khích phát triển ứng dụng tiếng Việt…; phát triển hạ tầng Internet băng rộng… chú trọng việc phổ cập dịch vụ Internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục…”.

Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật…”.

Theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin thì quyền tiếp cận thông tin là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: “Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin… Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kì thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức…” (Điều 11).

Như vậy có thể nói, khuôn khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Internet, mạng xã hội là tương đối đầy đủ, đồng thời những quy định của pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người.

Mỗi ngày, một người sử dụng mạng internet ít nhiều đề tạo ra một khối lượng dữ liệu cá nhân, từ việc quan tâm đến thông tin lĩnh vực nào, mua sắm những đồ dùng vật dụng nào qua mạng, đến những đoạn đối thoại mang tính nhạy cảm thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Về mặt này, công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra mỗi quan hệ cộng sinh cho xã hội. Tuy nhiên, khi những thông tin đó được thu thập mà không có sự cho phép của chủ thể, đó lại là một sự vi phạm luật pháp hay còn được gọi là đánh cắp thông tin cá nhân. Xem xét các mối đe dọa tiềm ẩn dưới hình thức giám sát truyền thông, đánh chặn, đánh cắp dữ liệu, truy cập dữ liệu cá nhân trái phép, luồng dữ liệu xuyên biên giới, Liên hợp quốc đã khẳng định rằng các quyền tương tự mà con người được bảo vệ trong thế giới thực cũng phải được bảo vệ trực tuyến, bao gồm cả quyền đối với quyền riêng tư. Phương tiện kỹ thuật số đặt ra một số mối đe dọa đối với việc thụ hưởng quyền riêng tư không bị kiểm soát theo các hình thức sau: a) Giám sát truyền thông; b) Ăn cắp dữ liệu; c) Luồng dữ liệu xuyên biên giới; d) Vi phạm tính bảo mật; e) Truyện tranh điện tử; f) Truy cập bất hợp pháp; g) Lưu giữ dữ liệu; h) Các vấn đề dữ liệu lớn, v.v. (Nghị quyết Đại hội đồng 68/167). Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2014 đã thông qua Nghị quyết 68/167 liên quan đến quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, trong đó nó đã thừa nhận rõ ràng mối lo ngại về vấn đề gia tăng bảo vệ quyền riêng tư trong thế giới công nghệ tiên tiến này.

Trên lĩnh vực quyền con người, sự ra đời của thế giới ảo, hệ sinh thái số dựa trên Internet, mạng xã hội là cơ sở hàng đầu trong nâng cao khả năng bảo đảm của nhà nước, sự hưởng thụ các quyền và tự do của người dân trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực báo chí và tiếp cận thông tin. Chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tăng cường phát triển và hội nhập quốc tế, trong đó có tự do kết nối Internet, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người trên tất cả lĩnh vực, trong đó có tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Sự bùng nổ của mạng xã hội mang lại những mặt tích cực và tiêu cực nhất định, mang lại một môi trường mở, một xã hội không biên giới với mức lan truyền thông tin gần như ngay lập tức, việc này mang thế giới tới gần nhau hơn, đặc biệt là việc trao đổi thông tin, văn hóa, giáo dục, tìm kiếm cơ hội thậm chí là mua bán sử dụng môi trường mạng xã hội đang ngày càng trở nên cực kỳ phổ biến. Mỗi người dân đề có thể trở thành một nhà xuất bản, chịu trách nhiệm đăng tải thông tin lên trang cá nhân, hội nhóm trên mạng xã hội. Rất nhiều nghĩa cử cao đẹp đã được lan truyền mạnh mẽ như từ thiện, quyên góp, ủng hộ các vùng bị tai ương, các hoàn cảnh khó khăn, chung tay góp sức vì cộng đồng; nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các thông tin mang nội dung tiêu cực, bôi nhọ nhân phẩm danh dự người khác được đưa lên và truyền tải rộng rãi thông qua mạng xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *