Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
57518

LÀN SÓNG COVID-19 THỨ HAI: CUỘC SỐNG VẪN PHẢI TIẾP DIỄN BÀI 1: NHƯ MỘT ĐÁM CHÁY RỪNG

Cho đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã lan khắp thế giới như một vết dầu loang, chỉ bỏ sót lại hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vị trí địa lý xa xôi và chính sách đóng cửa biên giới kịp thời. Khi các nền kinh tế lớn – nhỏ trên thế giới vừa manh nha mở cửa, hồi phục thì COVID-19 đã ngay lập tức quay trở lại càn quét với tốc độ mạnh mẽ và tính chất nguy hiểm hơn. Dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Thế giới đã ứng xử với dịch bệnh lần này ra sao và cách các quốc gia bảo vệ người dân trước đại dịch cũng chính là biểu hiện cao nhất về bảo đảm quyền con người. Tạp chí Nhân quyền Việt Nam thực hiện chuyên đề về làn sóng COVID-19 thứ hai nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh về đại dịch chưa từng có trên thế giới dưới góc nhìn quyền con người.

Bài 1: NHƯ MỘT ĐÁM CHÁY RỪNG

Trong bối cảnh các nước vẫn đang oằn mình đối phó với hậu quả về kinh tế và xã hội do đại dịch, dập dịch quyết liệt ngay giai đoạn đầu bùng phát là ưu tiên chiến lược của các quốc gia trong việc ngăn chặn một đợt sóng mới hung hãn hơn, đồng thời đảm bảo nền kinh tế không phải “giật lùi” thêm một lần nữa.

Bài toán kinh tế và phong tỏa

Từng được coi là hình mẫu chống COVID-19 với nỗ lực làm phẳng hình cong dịch bệnh, các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đều chứng kiến các ca mắc tăng trở lại. Trong khi đó, châu Âu cũng đang ghi nhận sự hồi sinh trở lại của virus SARS CoV-2. Các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức hay Tây Ban Nha… đều liên tục thông báo các ca mắc mới. Nhìn chung, vào thời điểm này chưa thể khẳng định là làn sóng dịch thứ hai đã ập đến châu Âu vì diễn biến ở mỗi nước có các cấp độ nặng, nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các ca mắc mới tại các quốc gia này là rất đáng lo ngại. Theo giới chuyên gia, đây chỉ là thời điểm đầu của một giai đoạn dịch mới, với khả năng Đức hay Pháp có thể đối mặt với làn sóng thứ 2 trong vài tuần tới, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thế giới thận trọng mở cửa dù phải đối mặt làn sóng Covid-19 thứ 2

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng thứ 2 tại các quốc gia trên thế giới. Thứ nhất, đó là sự nôn nóng nhanh chóng giảm các thiệt hại kinh tế do phải phong tỏa một thời gian dài trong năm, nên nhiều quốc gia đã mở cửa quá sớm, trước khi các ca lây nhiễm giảm xuống mức đủ thấp. Ví dụ tại châu Âu, hầu hết các quốc gia đã nới lỏng lệnh phong tỏa khi chưa chặn đứng được tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Điều đó có nghĩa là virus vẫn còn phổ biến đến mức mà các cơ quan chức năng không thể xác định được nguồn lây nhiễm trong tất cả các trường hợp, để sớm khoanh vùng và dập dịch. Xu hướng giảm nói chung phần lớn là do người dân có ý thức tốt hơn so với thời kỳ đầu của dịch bệnh như chịu khó đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nơi công cộng.

Dịch COVID-19 tạm thời lắng xuống nhờ ý thức của người dân. Làn sóng thứ 2 xảy ra cũng từ ý thức của người dân. Người dân các nước sau thời gian dài ở nhà, khi được tự do quay trở lại cuộc sống bình thường, một bộ phận không nhỏ có tâm lý xả hơi và chủ quan khiến các biện pháp an toàn không được tôn trọng. Tây Ban Nha là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng đầu tiên ở châu Âu. Sau khi số ca mắc có dấu hiệu giảm, Tây Ban Nha đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm vận trên toàn quốc, mở cửa trở lại các quán bar, quán cà phê, câu lạc bộ đêm và khách sạn… Và chỉ trong một thời gian ngắn, số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại, buộc chính phủ nước này phải áp đặt phong tỏa một số khu vực.

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á lại đối mặt với làn sóng thứ 2 do các ca ngoại nhập liên quan đến việc mở cửa biên giới, lao động nhập cư bất hợp pháp hay xuất nhập cảnh trái phép. Những cản trở chính trị cũng góp phần khiến số ca mắc gia tăng tại một số quốc gia. Như tại Mỹ hay Brazil, nguyên nhân chính khiến những quốc gia này chưa kiềm chế được dịch bệnh được cho là còn thiếu các biện pháp phòng và xử lý dịch nhất quán. Các bang tự áp dụng biện pháp riêng, trong khi việc đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội vẫn còn là những vấn đề gây tranh cãi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Đức

Trong bối cảnh các ca mắc mới gia tăng tại nhiều quốc gia, có nhiều nhận định về mức độ nguy hiểm của đợt sóng mới này. Làn sóng thứ 2 xảy ra trùng với thời điểm cúm mùa hàng năm cùng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác gia tăng tại nhiều quốc gia. Điều này đẩy các quốc gia bước vào giai đoạn nguy hiểm mới, khi các hệ thống y tế công vốn đã bị “trọng thương” do làn sóng thứ nhất gây ra sẽ chính thức sụp đổ. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia, áp lực ngày càng gia tăng do các biện pháp hạn chế và phong tỏa đối với nền kinh tế vốn đã không vững mạnh, buộc các chính phủ phải tìm cách nhanh chóng mở cửa trở lại, dù nguy cơ dịch bệnh vẫn cao, tạo nên một vòng luẩn quẩn giảm, rồi lại tăng các ca mắc COVID-19.

Đứng trước nguy cơ các ca mắc mới tăng trở lại, câu hỏi phong tỏa hay không phong tỏa đang trở thành bài toán đau đầu với nhiều nước. Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả ý tưởng cách ly toàn quốc là “một nút bấm hạt nhân, không thể bỏ đi mà cũng không thể sử dụng”. Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng thừa nhận, nếu phong tỏa toàn quốc lần nữa, nước Pháp sẽ không chịu nổi. Theo các số liệu kinh tế được Pháp đưa ra trong thời gian qua, việc tiến hành phong tỏa đất nước gần 3 tháng (từ 18/3 đến 11/5) đã đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Lo ngại những tác động kinh tế do lệnh phong tỏa, chính phủ Tây Ban Nha đã phải “năn nỉ” các nước láng giềng châu Âu dừng việc đưa 2 hòn đảo du lịch Balearic và Canary vào danh sách cấm đi lại sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng trở lại. Tránh các biện pháp phong tỏa toàn bộ để giảm những thiệt hại kinh tế là giải pháp mà hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đang áp dụng khi làn sóng COVID-19 thứ 2 ập đến.

Tất nhiên khả năng phong tỏa trở lại là “không thể bị loại trừ” nếu số người mắc và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao bất chấp cái giá đi kèm là rất lớn. Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết, các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới thời gian qua đã khiến kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ, hàng trăm triệu việc làm biến mất. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 4,9% trong năm nay và là mức sụt giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, buộc các quốc gia đóng cửa, khiến các thị trường tài chính chao đảo lần nữa, những nước dễ bị tổn thương có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ, làm suy yếu thêm các nỗ lực phục hồi kinh tế.

          Không để bùng thành lửa lớn

Thực tế khi đánh giá về các tác động của làn sóng thứ 2, giới chuyên gia cũng chưa tính đến tầm quan trọng của những chiến lược phòng ngừa hiệu quả mà nhiều nước đang áp dụng để đẩy lùi virus. Có nhiều bằng chứng cho thấy một quốc gia với hệ thống y tế công cộng vững mạnh (bao gồm khả năng xét nghiệm rộng rãi, kế hoạch truy vết các tiếp xúc, cách ly hiệu quả) kết hợp với sự tham gia và ý thức của cộng đồng (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay thường xuyên) có hiệu quả cao trong việc kiểm soát các ca mắc mới gia tăng. Vì vậy, tới thời điểm hiện tại hầu hết các nước dù ghi nhận số ca mắc mới tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Italy – một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt đại dịch đầu tiên ở châu Âu luôn giữ tỷ lệ trường hợp mắc bệnh bình quân đầu người mỗi ngày ở mức thấp nhất trên lục địa. Mặc dù các ca mắc mới hàng ngày đang tăng dần ở Đức, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan rằng hệ thống truy vết hiệu quả của Đức sẽ giúp kiểm soát tốt virus. Ở Bỉ, các ca mắc mới đã giảm trở lại sau khi những quy định giãn cách mới được áp dụng.

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch đầu tiên, ngay từ khi gia tăng các ca mắc mới, thay vì phong tỏa toàn bộ đất nước hay vùng lãnh thổ trên quy mô rộng, hầu hết các nước đều áp dụng cách tiếp cận mới, chỉ phong tỏa những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, với những biện pháp chống dịch quyết liệt mạnh mẽ.

Tại Trung Quốc, ngay khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại chợ Tân Phát Địa, một số khu vực tại Bắc Kinh được lệnh lập tức bước vào “trạng thái thời chiến”, theo đó mọi nguồn lực được huy động, từ công an, cảnh sát, dân phòng, cán bộ khu vực cho đến tình nguyện viên… Để hạn chế tối đa rủi ro, tổn thất và dập dịch trong thời gian ngắn nhất, Trung Quốc đã chống dịch ở cấp độ cao hơn thực tế. Trong tâm dịch, các biện pháp đồng bộ được đưa ra, nhưng tại những khu vực khác của đất nước vẫn sinh hoạt bình thường, với mục tiêu nhằm tránh lặp lại kịch bản phong tỏa toàn quốc như hồi đầu năm.

Tây Ban Nha cũng tranh thủ dập dịch quyết liệt ngay từ đầu khi các số ca mắc mới tăng. Các biện pháp xử lý nhanh chóng các cụm mắc nhỏ cũng được các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam áp dụng và đạt được hiệu quả cao, nhằm tránh thổi bùng lên thành những ngọn lửa lớn với các tác động kinh tế nghiêm trọng.

Tăng cường xét nghiệm, truy dấu và cách ly cũng là những công cụ hiệu quả mà các nước châu Á dựa vào để chiến đấu với làn sóng lây nhiễm mới. Với các chùm lây nhiễm mới xuất phát từ một câu lạc bộ ban đêm, Hàn Quốc mặc dù cho phép phần lớn người dân tiếp tục cuộc sống và làm việc bình thường, nhưng lại quyết liệt tập trung xử lý các điểm nóng dịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn F1, F2 và F3… đã được khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ và xét nghiệm. Sau những nỗ lực quyết liệt, hiện số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này ở mức dưới 30 ca/ngày, cho thấy chiến lược làm phẳng đường cong dịch bệnh hiệu quả của Hàn Quốc.

Và điều quan trọng nhất là dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát nếu không có sự tuân thủ và ý thức của người dân. Có đánh giá chung về ý thức của người dân trước dịch bệnh đã tốt hơn nhiều so với trước, với việc tuân thủ các giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tự cách ly khi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Đặc biệt về tổng thể, châu Á đang làm rất tốt nhờ vào hành vi của cộng đồng trong khu vực, “cộng đồng người dân tôn trọng, tuân thủ những biện pháp chính phủ đưa ra”. Đây có thể coi là chìa khóa để châu Á vượt qua những thách thức trong giai đoạn chống dịch mới. Ngoài ra, các nước cũng có sự chuẩn bị tốt hơn về y tế so với đợt bùng phát dịch ban đầu. Tất cả các nước đều đã nâng khả năng xét nghiệm lên gấp nhiều lần, như tại Anh, dự tính đến tháng 10/2020, có thể thực hiện 3,5 triệu xét nghiệm/tuần. Tại Pháp, từ đầu tháng 7, nhiều thành phố đã mở các trung tâm xét nghiệm cộng đồng. Đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang, nước sát khuẩn…đã được tích trữ và sản xuất dư thừa, đủ sức đứng vững trong nhiều tháng. Vì thế, dù hiện tại đang có dấu hiệu dịch quay lại nhưng cả về vật chất lẫn tâm lý thì các nước đều đã được chuẩn bị tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, bài học từ làn sóng dịch bệnh thứ hai cho thấy sự cần thiết phải thật sự bền vững hoá những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch bệnh, để không phải làm lại từ đầu mỗi khi bùng phát làn sóng dịch bệnh mới. Các quốc gia vẫn cần tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn virus lây lan. Có thể, các chính sách này không cần quá cực đoan, nhưng phải đủ để đảm bảo số ca mắc mới giảm xuống. Nếu không có những biện pháp và hành động quyết liệt, rất có thể, cái giá mà nhân loại phải trả là vô cùng đắt.■

Box: Theo trang Worldometer.info, tính đến ngày 24/8, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 23.588.699 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó hơn 812.561 ca đã tử vong (tương đương khoảng 5%), 16.088.524 triệu ca đã hồi phục. Trong số hơn 6,68 triệu ca đang được điều trị, có khoảng 1% trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch. Xét theo khu vực, Bắc Mỹ đang là tâm dịch của thế giới, tiếp sau là châu Á và đứng thứ 3 là khu vực Nam Mỹ.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *